Sáng 15/6, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu Đề tài khoa học cấp Bộ “Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm công tác chuyên trách Mặt trận tại các tỉnh, thành Tây Nam bộ”.
Đề tài do Ban Công tác phía Nam UBTƯ MTTQ Việt Nam là đơn vị chủ trì thực hiện.
Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài, ThS Phạm Thanh Tuyền, Chủ nhiệm đề tài cho biết, vùng Tây Nam bộ hiện nay có 13 tỉnh, thành (gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang).
Vùng chiếm 13% diện tích nhưng có gần 18% dân số cả nước. Yêu cầu đặt ra là cần có đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác MTTQ có chất lượng, phát huy được vai trò, vị trí trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; góp phần phát triển kinh tế xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nguồn nhân lực thực hiện công tác Mặt trận chuyên trách, cũng như đội ngũ làm công tác giám sát, phản biện xã hội ở các tỉnh Tây Nam bộ còn nhiều mặt hạn chế, chưa tập hợp, phát huy hết nguồn lực cho công tác này. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận nói chung và ở các tỉnh, thành Tây Nam bộ nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa ngang tầm nhiệm vụ.
Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về đội ngũ nhân lực chuyên trách Mặt trận các tỉnh, thành Tây Nam bộ, theo ThS Phạm Thanh Tuyền, đề tài khuyến nghị 8 nhóm giải pháp như: Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; Công tác đào tạo, bồi dưỡng; Đổi mới lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận; Chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách Mặt trận; Nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống Mặt trận; việc phát huy dân chủ, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác để từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm công tác chuyên trách Mặt trận tại các tỉnh, thành Tây Nam bộ.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, đóng góp ý kiến phản biện đối với nội dung nghiên cứu của Đề tài. Đa số ý kiến đánh giá Đề tài được nghiên cứu công phu, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, đảm bảo tính khoa học, phân tích, đánh giá số liệu liên quan đến nội dung nghiên cứu, từ đó đã có khuyến nghị nhiều nhóm giải pháp có tính khả thi cao nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ nhân lực làm công tác chuyên trách Mặt trận tại 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đánh giá đề tài là công trình nghiên cứu công phu, được thực hiện với tinh thần tâm huyết, cố gắng, nỗ lực của Ban chủ nhiệm. Nội dung đề tài có ý nghĩa thực tiễn có tính ứng dụng cao đối với Mặt trận các tỉnh thành Tây Nam Bộ.
Qua quá trình triển khai nghiên cứu, đề tài đã sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học, Ban Chủ nhiệm đề tài đã xây dựng được mẫu phiếu khảo sát, phỏng vấn và tiến hành hoạt động khảo sát thực tế, tổ chức phỏng vấn công phu với nhiều đối tượng khác nhau tại các cơ quan, tổ chức, địa phương trong khu vực Tây Nam bộ.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, trong bối cảnh chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu bài bản, khoa học và đầy đủ về đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận chuyên trách tại các tỉnh, thành Tây Nam bộ, việc triển khai đề tài là rất cần thiết, thành công của việc nghiên cứu sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác chuyên trách Mặt trận ở vùng Tây Nam bộ hiện nay và có ý nghĩa lý luận, thực tiễn cao đối với công tác Mặt trận vùng Tây Nam bộ.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu nghiêm túc các ý kiến nhận xét, đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, đặc biệt là các ý kiến phản biện tại Hội nghị để tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu. Trong đó Ban Chủ nhiệm cần bổ sung làm rõ đối tượng nghiên cứu cho phù hợp, khắc phục tính dàn trải, trùng lặp để điều chỉnh nội dung và phạm vi nghiên cứu logic, chặt chẽ, bao quát hơn.
Ngoài ra, việc đưa các các giải pháp cần phải sát với đặc điểm tình hình thực tiễn của các tỉnh vùng Tây Nam bộ; các kiến nghị của đề tài cần cụ thể và sắc nét hơn bởi một số kiến nghị còn chung chung, thiếu tính khả thi hoặc vượt quá thẩm quyền của chủ thể được kiến nghị.
Qua bỏ phiếu, Hội đồng nghiệm thu đã công nhận Đề tài đạt loại khá. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng lưu ý, sau nghiệm thu, đề nghị Ban Chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu cần đầu tư công sức chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của một sản phẩm khoa học cấp Bộ, từ đó sản phản có thể vận dụng được vào thực tiễn công tác Mặt trận vùng Tây Nam bộ.