Ngày 9/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Theo ông Phan Xuân Dũng- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, thường trực Ủy ban này thấy rằng, việc thực hiện kiểm soát an toàn phòng chống thiên tai từ khâu xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai đến tổ chức thực hiện là cần thiết. Tuy nhiên, Dự thảo luật chưa làm rõ đây là hoạt động bắt buộc hay hoạt động khuyến khích áp dụng, chưa rõ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và biện pháp an toàn phòng chống thiên tai đối với các dự án, tiêu chí kiểm soát an toàn thiên tai do ai ban hành? Danh mục các dự án xây dựng công trình ở quy mô, mức độ nào phải thực hiện việc kiểm soát an toàn phòng chống thiên tai, các hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai hoặc có nguy cơ gia tăng rủi ro thiên tai là các hoạt động gì? trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ quản lý công trình, dự án, của cơ quan quản lý nhà nước đối khi thực hiện kiểm soát an toàn phòng chống thiên tai không đạt yêu cầu?
Liên quan đến việc tại Khoản 1 Điều 24 Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 quy định: Thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, chính xác nhưng Dự thảo luật mới được sửa thành: “Thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, đủ độ tin cậy”, bà Nguyễn Thanh Hải- Trưởng ban Dân nguyện cho rằng tại sao lại hạ cấp độ tin cậy khi sửa thành “đủ độ tin cậy” trong khi khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, hỗ trợ rất nhiều trong công tác dự báo. “Dự báo sai dẫn đến ứng phó không đúng nên thực tế mới có việc nhiều khi mức độ không đến như vậy nhưng nhiều nơi nâng thêm cấp để phòng tránh. Vậy dự báo sai do nguyên nhân chủ quan có chịu trách nhiệm trong công tác dự báo hay không?- bà Hải nêu vấn đề.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng Luật cũ dùng từ “chính xác” là không chính xác. Vì thông lệ quốc tế cũng chỉ xác định là “đủ độ tin cậy”. Vì nếu chính xác thì còn gì là dự báo. Cụm từ “đủ độ tin cậy” là ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra, Bộ NNPTNT thấy hợp lý và đưa vào Dự thảo.
Về Quỹ Phòng chống thiên tai ở Trung ương, Thường trực Ủy ban Khoa học và công nghệ môi trường của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu của Quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ; việc điều chuyển giữa quỹ Trung ương và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các Quỹ phòng chống thiên tai ở địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, hiện nay đã có Quỹ Phòng chống thiên tai ở địa phương, nhưng nhiều địa phương có quỹ rất nhiều nhưng chi rất ít, trong khi vùng có nhiều thiên tai quỹ lại không đủ để chi. Còn ông Trần Văn Túy- Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng, hình thành quỹ cần hết sức cân nhắc, nếu không sẽ dẫn đến “kêu gọi tràn lan”, huy động nguồn lực trong dân phù hợp. “Trước đây khi khó khăn, mọi thứ đều kêu gọi nhưng hiện nay cái gì Nhà nước chủ động được thì lo cho dân, đừng cái gì cũng kêu gọi dân, chưa kể có những cái thiếu minh bạch lại dẫn đến thắc mắc, hoài nghi trong nhân dân”- ông Túy nói.