Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ‘vùng trũng’ ĐBSCL

Gianh Lam 27/10/2017 14:45

Đây là mục tiêu hướng tới của các trường: Trường Đại học (ĐH) Nam Cần Thơ, Trường ĐH Cửu Long và Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Malaysia tại hội thảo khoa học quốc tế bàn về “Đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng tiến trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tầm nhìn 2030” diễn ra ở Cần Thơ ngày 27/10.

Hội thảo khoa học quốc tế “Đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng tiến trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn 2030”.

“Vùng trũng” chất lượng nguồn nhân lực

Phát biểu tại hội thảo, Anh hùng Lao động, Giáo sư Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cho biết: Tình trạng giáo dục của Việt Nam đang đứng trước một thử thách hệ trọng. Trình độ và chất lượng của sinh viên tốt nghiệp đại học ngày càng kém hơn các lớp đàn anh.

Trong khi đó, nguồn tuyển sinh vào đại học hàng năm tiếp tục giảm một cách báo động về chất lượng và trình độ, phản ánh một sự không bình thường trong hệ thống giáo dục bắt đầu từ sự “mất gốc” ở cấp phổ thông. Hiện tượng bỏ học, thôi học phổ biến từ bậc tiểu học đến trung học đã nói lên sự mất tin tưởng của một số phụ huynh vào tiền đồ học vấn của con em mình. Mỗi năm có khoảng 1 triệu người đến tuổi lao động tiếp tục tham gia vào “đội quân” không “có nghề” và không “biết nghề”…

Ở khu vực ĐBSCL, tình trạng giáo dục vẫn còn bất cập hơn bình quân cả nước, từ các trường phổ thông, trường dạy nghề đến các trường đại học. Nổi tiếng là “vùng trũng” giáo dục là do điều kiện phục vụ cho việc học tập chưa tốt, chưa được đầu tư đến nơi đến chốn và cũng do người học chưa xác định rõ được mục tiêu hay định hướng nghề nghiệp để hướng tới.

“ĐBSCL mặc dù là cái nôi sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu, nhất là lúa gạo, nhưng về giáo dục và nguồn nhân lực vẫn xem là “vùng trũng”. Cho đến nay, sau hơn 40 năm đổi mới, đại bộ phận người dân của ĐBSCL - nông dân - vẫn là bộ phận nghèo nhất, làm ăn trong những môi trường không bền vững. Suy cho cùng, cái gốc của vấn đề chính là giáo dục” - GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, ở nông thôn, người lao động không biết nghề là phổ biến, các lớp khuyến nông cho nông dân chỉ có tác dụng nhất thời. Việc xóa mù là công tác lặp đi lặp lại hàng năm bằng biện pháp mà chính người học cũng thấy là mình học cho chính quyền địa phương báo cáo xóa mù chứ không phải học cho mình. Thanh niên tốt nghiệp đại học rồi ít người tự tạo việc làm cho mình, phần đông tìm việc làm rất khó. Sản xuất thì chỉ biết các loại nông sản giá rẻ, không đạt chất lượng… Đó là vì chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL quá thấp.

Lao động có tay nghề ở ĐBSCL vẫn còn thiếu.

Cần đầu tư mạnh

Trong một nghiên cứu của Thạc sĩ Nguyễn Văn Xu (Trường ĐH Đồng Tháp), so sánh giữa các vùng miền, quý I-2017, ĐBSCL là vùng có tỷ lệ thiếu việc làm cao nhất (3,02%) so với cả nước (1,82%). Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị của vùng này cũng cao nhất cả nước (2,94%)…

Còn theo PGS.TS Đặng Văn Phan (Trường ĐH Cửu Long), một trong các nguyên nhân lớn hạn chế về nguồn nhân lực ĐBSCL là do hệ thống cơ sở giáo dục, dạy nghề còn thiếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, tổng thể thì thiếu quy hoạch, hệ thống giáo dục phân bố chưa hợp lý, mất cân đối, giáo dục chưa thật sự là quốc sách hàng đầu vì đầu tư thấp, dàn trải, chồng chéo trong quản lý…

Theo TS Phan, để giáo dục và đào tạo ở vùng ĐBSCL cất cánh, góp phần hình thành nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa của vùng và cả nước, rất cần có sự tham gia của nhiều cấp, ngành liên quan. Đồng thời, cần xây dựng và hiện thực hóa chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong ngắn và dài hạn, trong đó lấy giáo dục và đào tạo làm trọng tâm phát triển. Tăng cường đầu tư ngân sách, vốn, cơ sở vật chất theo hướng giáo dục là quốc sách hàng đầu, tiến tới lấp dần “chỗ trũng” trong giáo dục và đào tạo tại ĐBSCL…

Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng cho rằng: song song với thiết kế chương trình đào tạo, việc đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy và học sẽ phải thực sự được quan tâm. Phương tiện nghiên cứu khoa học phải được trang bị như thế nào để kịp thời tìm ra giải pháp thích nghi cho từng lĩnh vực phát triển của ĐBSCL.

“Tầm nhìn 2030 của ĐBSCL sẽ như thế nào theo kế hoạch của nhà nước thì chúng ta chưa rõ: mức độ tăng trưởng sẽ bao nhiêu, khu vực nông nghiệp sẽ phát triển thế nào… Trong khi chờ kế hoạch chung của cả nước, chúng tôi ước mong viễn cảnh của ĐBSCL 2030 tới đây là một vùng nông nghiệp trù phú được công nghiệp hóa từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm có thương hiệu, đất đai phì nhiêu, môi trường xanh sạch không còn bị ô nhiễm bởi các hóa chất độc hại nhờ mọi người dân đều có học thức…” - GS Võ Tòng Xuân bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ‘vùng trũng’ ĐBSCL