Trong 45 năm qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã xây dựng và phát triển, trở thành trụ cột của nền kinh tế đất nước với nhiệm vụ quan trọng là tìm kiếm, khai thác nguồn tài nguyên của Tổ quốc, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, góp phần hiệu quả vào ổn định kinh tế vĩ mô và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Hiện nay, với hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, đến công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí..., hoạt động của Tập đoàn luôn tác động toàn diện, rõ nét đối với nhiều lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ của đất nước, đặc biệt là ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại ở nhiều địa phương.
Đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, công tác chính trị, tư tưởng, tuyên giáo, truyền thông luôn được coi trọng. Kho tư liệu lịch sử truyền thống đồ sộ, những thước phim, những hình ảnh, những bài ca, những áng văn thơ hào sảng, nhân văn được lưu lại ngày nay là minh chứng, là tinh hoa văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn, cổ vũ khích lệ lòng yêu nước, yêu nghề, nhiệt huyết dấn thân cống hiến của nhiều thế hệ cán bộ kỹ sư, công nhân viên ngành Dầu khí.
Thực hiện kết luận của Ban Bí thư, năm 2008 các tổ chức Đảng Dầu khí trực thuộc các địa phương được hợp nhất; hình thành Đảng bộ toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (mô hình Đảng bộ toàn ngành). Theo đó Ban Tuyên giáo đảng ủy Tập đoàn chính thức được thành lập. Liên tục trong 10 năm từ năm 2008 đến 2018, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn đã thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình là tham mưu, giúp việc cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo hướng dẫn chỉ đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và yêu cầu của Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn về công tác tuyên giáo, truyền thông.
Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và mức độ cần thiết của công tác tuyên giáo, truyền thông, sau Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ II (nhiệm kỳ 2015-2020), Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông và xây dựng phát triển văn hóa doanh nghiệp. Đó là Chỉ thị số 51-CT/ĐU ngày 21/4/2016 về công tác thông tin, truyền thông và tổ chức sự kiện; Kết luận số 71- KL/ĐU ngày 09/9/2016 về công tác chính trị, tư tưởng và truyền thông trong tình hình hiện nay.
Thực hiện Quy định số 69-QĐ/TW ngày 13/2/2017 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối và hướng dẫn của Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy Tập đoàn rất chủ động hình thành nghị quyết để triển khai Hội đồng thành viên của ban Điều hành chính thức thành lập các ban xây dựng đảng hợp nhất với ban chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Từ chủ trương này, nhằm chuyên môn hóa và nâng cao hiệu lực của công tác tuyên giáo, truyền thông trong tiến trình tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, ngày 1/10/2018, Ban Truyền thông và văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn chính thức ra đời và đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất Ban Tuyên giáo Đảng ủy và một số bộ phận, lĩnh vực chuyên môn. Đây là bước đi kịp thời trong việc tổ chức, thực hiện các hoạt động tuyên giáo, truyền thông một cách thiết thực, tiết kiệm, đồng bộ, hiệu quả. Song song với việc hoạch định chiến lược, phương pháp, lộ trình..., thì các thiết chế, công cụ, phương tiện, kế hoạch thực hiện công tác tuyên giáo, truyền thông của Tập đoàn cũng được đề ra cụ thể, sát sao với tình hình thực tế trong toàn hệ thống, đối với từng đơn vị, với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội.
Sau hợp nhất, công tác tuyên giáo không vì thế mà hạn chế, ngược lại còn có điều kiện để phát triển hơn, gắn bó hơn giữa công tác xây dựng Đảng được hóa thân trong đời sống của doanh nghiệp thông qua các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng cũng như nhiệm vụ của doanh nghiệp trong lĩnh vực tuyên truyền.
Ngày 15/5/2019, Đảng ủy Tập đoàn tiếp tục ban hành Nghị quyết 281/NQ-ĐU về công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp nhằm khẳng định vai trò của công tác truyền thông, theo đó, thông tin chính xác và kịp thời, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức xã hội về vị trí, vai trò của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước là nhiệm vụ quan trọng của công tác truyền thông hiện nay.
Mục tiêu và nhiệm vụ xuyên suốt của công tác tuyên giáo, truyền thông dầu khí tập trung vào 5 nhóm nội dung trọng yếu sau đây:
Một là, tuyên truyền phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về năng lượng và dầu khí đến với người lao động, đến với cán bộ đảng viên trong toàn Tập đoàn. Thông tin kịp thời, thông suốt, minh bạch về mọi mặt hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên, từ công tác đảng, đoàn thể, công tác chính trị, tư tưởng đến hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh, đổi mới quản trị, hợp tác quốc tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hoạt động an sinh xã hội, quan tâm chia sẻ với cộng đồng.
Hai là, động viên, cổ vũ để người lao động Dầu khí hưởng ứng những chủ trương đó, cùng tham gia triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chủ trương lớn của Tập đoàn trong toàn hệ thống. Khích lệ người lao động dầu khí phát huy truyền thống vinh quang và thành tựu của các thế hệ người Dầu khí đã đạt được, khơi dậy nhiệt huyết và lan tỏa niềm tự hào của những "người đi tìm lửa", tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm vượt qua mọi khó khăn, hăng hái thi đua sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; tăng cường phản ánh, tuyên truyền về gương điển hình dấn thân cống hiến, lao động xuất sắc, sáng tạo.
Ba là, định hướng, tạo dư luận tích cực và đồng thuận không chỉ trong nội bộ doanh nghiệp mà với toàn xã hội để các cấp, các ngành và người dân hiểu đúng và đầy đủ, có góc nhìn toàn diện, khách quan, chính xác về các hoạt động và những trọng trách mà Tập đoàn đang gánh vác, về những thành tích và đóng góp của ngành Dầu khí đối với đất nước, từ đó cảm thông, sẻ chia với những vất vả, gian nan của người lao động dầu khí.
Bốn là, thông qua công tác truyền thông và tuyên giáo tích cực quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của Tập đoàn và các doanh nghiệp trong ngành ra thị trường, đến với người tiêu dùng; góp phần thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác đầu tư, hợp tác kinh doanh; tuyên truyền về các mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình tái cấu trúc, quản trị đầu tư hiệu quả, năng động; phổ biến các công trình nghiên cứu khoa học và quản lý kinh tế, kiến thức, kinh nghiệm trong việc sáng tạo đổi mới, ứng dụng hợp lý tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vật tư, nguyên nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất.
Năm là, phản ánh kịp thời những bất cập về mặt pháp lý, vướng mắc về cơ chế tài chính- đầu tư, khó khăn về thị trường..., trong quá trình hoạt động của Tập đoàn, góp phần phản biện khoa học, khách quan nhằm tác động tích cực, hiệu quả đến việc thiết kế, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo điều kiện để ngành Dầu khí được quan tâm đầu tư, tăng thêm nguồn lực; được tăng quyền chủ động trong quản trị, điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đánh giá chung, việc tối ưu hóa và tập trung nguồn lực đã tạo sự liên kết mang tính hệ thống để nâng cao chất lượng của hoạt động truyền thông trong Tập đoàn với phương châm “Truyền thông đi trước một bước”. Vì vậy, thời gian qua công tác truyền thông của Tập đoàn đã có chuyển biến rõ rệt, đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc thông tin kịp thời, chính xác về mọi mặt hoạt động, bảo vệ, giữ gìn và nâng cao uy tín, hình ảnh, thương hiệu của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Đến thời điểm hiện tại, ngành Dầu khí có 4 cơ quan báo chí gồm Tạp chí Năng lượng Mới, Tạp chí điện tử PetroTimes (trước đây là báo Năng lượng Mới và báo điện tử PetroTimes), Tạp chí Dầu khí, Tạp chí Công đoàn Dầu khí với trên 40 nhà báo, phóng viên chuyên nghiệp. Toàn hệ thống có 14 bản tin, chuyên san và 97 trang tin điện tử, website nội bộ với hơn 100 lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên làm công tác truyền thông.
Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn luôn giữ mối liên hệ mật thiết với các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí và xây dựng mối quan hệ hợp tác với hơn 50 cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng có tầm ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội. Đồng thời kết nối thường xuyên, gắn bó với hàng trăm nhà báo phóng viên có tâm, có tầm, có kiến thức và sự hiểu biết toàn diện về công nghiệp dầu khí, những người có sự đồng cảm sâu sắc với những cống hiến của người lao động Dầu khí và luôn sẵn sàng dấn thân trên mặt trận thông tin truyền thông dầu khí.
Mỗi năm, tâm sức của các nhà báo, phóng viên, cán bộ truyền thông và các cộng tác viên trong và ngoài ngành được thể hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng 6000 - 7000 tin tức, bài viết và hàng chục ngàn hình ảnh sinh động, phong phú về hoạt động của ngành Dầu khí được đăng tải, xuất bản.
Tập đoàn đã tổ chức được đội ngũ làm công tác truyền thông ngày càng chuyên nghiệp hơn; tạo được mối quan hệ ngày càng tốt hơn với báo chí; đạt được mục tiêu xây dựng thương hiệu gắn với công tác truyền thông. Công tác tổ chức sự kiện cũng đi vào thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức.
Có thể nói, hệ thống truyền thông đa kênh, đa dạng, đa tương tác đã hàng ngày, hàng giờ hoạt động mạnh mẽ hiệu quả; chủ động tận dụng, khai thác triệt để các công cụ thiết bị kỹ thuật số, tính năng tương tác của mạng xã hội, tạo nên bức tranh toàn cảnh, thông tin thông suốt về mọi mặt hoạt động của Tập đoàn. Từ đó góp phần tạo ra hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội; động viên, cổ vũ người lao động Dầu khí hăng hái thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Đồng thời xử lý kịp thời, hạn chế tác động tâm lý, ảnh hưởng xấu từ những thông tin chưa chính xác, phiến diện, tiêu cực, trái chiều về ngành, góp phần làm tốt công tác xử lý sự cố, khủng hoảng truyền thông.
Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên bên cạnh việc chỉ đạo, định hướng đã và đang đặc biệt quan tâm, đầu tư cho công tác tuyên giáo, thông tin, tuyên truyền trong và ngoài hệ thống.
Để thực hiện tốt những nhóm nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên giáo, truyền thông được đặt ra, Ban Truyền thông & Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn cùng các cơ quan báo chí trong ngành và bộ máy cán bộ truyền thông tại các đơn vị đã và đang tiếp tục quán triệt chủ trương, thống nhất nhận thức về vai trò và ý nghĩa của công tác truyền thông, kiện toàn mô hình quản trị về truyền thông và văn hóa doanh nghiệp ở Công ty mẹ và các đơn vị thành viên nhằm tận dụng, phát huy tối đa mọi nguồn lực triển khai các kế hoạch tuyên truyền lâu dài và kế hoạch trước mắt trong năm 2020.
Theo đó, tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức xã hội về vị trí, vai trò của Tập đoàn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Tăng cường quảng bá thương hiệu và hình ảnh của ngành Dầu khí trong cộng đồng; cổ vũ, động viên cán bộ, nhân viên và người lao động nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020; chủ động cung cấp thông tin về thuận lợi, khó khăn, kết quả sản xuất kinh doanh, cơ chế tác động đến lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, đơn vị cho các cơ quan báo chí; thường xuyên cung cấp tài liệu cho các phóng viên, nhà báo tiếp cận, tham khảo và sử dụng đăng tải để công chúng có cái nhìn đầy đủ, chính xác về hoạt động của ngành, tạo sự chia sẻ, đồng thuận đối với ngành Dầu khí trong bối cảnh ngành công nghiệp dầu khí thế giới và Việt Nam đang chịu tác động kép từ sự sụt giảm giá dầu và dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu.
Hệ thống tuyên giáo truyền thông toàn Tập đoàn hiện nay đang tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, khả năng dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản xử lý khủng hoảng truyền thông; cải tiến và đổi mới phương pháp thông tin tuyên truyền, chú trọng vào các chuyên đề, nhóm vấn đề thiết thực gắn với hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên nhằm tạo dư luận xã hội tích cực, góp phần đẩy nhanh việc tháo gỡ cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho Tập đoàn vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.