Thời gian qua, giám sát của Quốc hội có sự đổi mới mạnh mẽ, đồng hành cùng với Chính phủ để đẩy nhanh tháo gỡ các vấn đề vướng mắc. Qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần đó, HĐND các địa phương cũng đã đổi mới hoạt động của mình trong vấn đề giám sát. Tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội đã thực hiện tái chất vấn việc thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND TP đã đến thời hạn giải quyết nhưng còn chậm, chưa hiệu quả.
Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, kết quả phiên “tái chất vấn” cho thấy, các vị đại biểu HĐND TP phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Nội dung chất vấn, tái chất vấn thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của HĐND, đồng thời là sự chia sẻ, đồng hành với UBND TP trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và nhân dân Thủ đô.
Tương tự, HĐND TPHCM cũng chuyển động mạnh mẽ trong giám sát, khi tại kỳ họp thứ 13 vừa qua đã chất vấn “ngẫu nhiên” thủ trưởng của các sở, ngành. Đây là nét mới của kỳ họp khi ở cấp sở ngành, HĐND TPHCM sẽ không chọn sở, ngành nào để chất vấn cụ thể mà sẽ chất vấn ngẫu nhiên. Đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến sở, ngành nào thì sở, ngành đó trả lời. Như vậy khác hoàn toàn so với trước đây là thông báo cụ thể chất vấn một giám đốc sở, ngành. Với sự đổi mới như vậy thì tất cả các thủ trưởng sở, ngành đều phải nắm chắc và quán xuyến mọi vấn đề trong quản lý, điều hành, cũng như trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử thì việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là điều thực sự cần thiết.
Ở góc độ địa phương, để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trong đó, cần quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, nhất là việc thực hiện các công việc phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND. Quy định cụ thể về các đối tượng có trách nhiệm trả lời chất vấn, giải trình của HĐND là thủ trưởng các cơ quan trực thuộc có liên quan, để các nội dung chất vấn, nội dung giám sát được xem xét đồng bộ, thấu đáo và hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, cần nghiên cứu để luật hóa các quy định, chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không đầy đủ, cố tình kéo dài thời gian thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát.
Đặc biệt, ông Tuấn đề nghị, Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp. Trong đó, xây dựng cơ sở dữ liệu chung, sử dụng phần mềm để theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, công tác giải quyết kiến nghị cử tri, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.
Còn theo ông Ngô Tự Nam - nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong tình hình mới, yêu cầu thực tiễn đòi hỏi HĐND các cấp phải tiếp tục có những đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Trong đó, cần quan tâm nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động giám sát của HĐND.
Bà Nguyễn Thị Hường - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm, cần quy định cụ thể chế tài để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan chức năng của HĐND các cấp được các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp thu, chấn chỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời. Tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, đây là khâu cuối cùng của đợt giám sát, rất quan trọng và quyết định chất lượng, kết quả giám sát.