Trong những năm gần đây, khái niệm “giáo dục di sản” đã trở nên quen thuộc với các bảo tàng, các khu di tích. Với phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” nhiều địa điểm đã trở thành địa chỉ “đỏ” thu hút đông đảo các bạn trẻ thuộc nhiều lứa tuổi tham gia.
Học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long.
Làm di sản bớt “khô khan”
Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã chức sơ kết Chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Theo báo cáo, trong năm học 2018 - 2019, đã có 19.086 học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa (trong đó tại Hoàng thành Thăng Long là 17.847 em và tại Cổ Loa là 1239 em). Bên cạnh đó số lượng học sinh tham quan tự do cũng rất đông, ở cả hai khu di tích là khoảng gần 100.000 em. Với các chương trình này học sinh chỉ được tham quan khu di tích trong thời gian hơn 1 tiếng và không được tham gia học lịch sử, tìm hiểu lịch sử cùng nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích khác.
Để có được những con số ấn tượng cũng như đáp ứng nhu cầu của các em học sinh tham gia chương trình giáo dục, tìm hiểu lịch sử đây là nỗ lực rất lớn của Trung tâm trong việc biến các di sản vốn “khô khan” hấp dẫn các bạn trẻ. Ở đó, các phòng chuyên môn và Ban quản lý di tích Cổ Loa xây dựng các chuyên đề giáo dục lịch sử phù hợp với từng cấp học, gắn các bài học lịch sử vào chương trình tìm hiểu di sản, với các chủ đề như kể chuyện Hoàng thành Thăng Long; Lịch sử triều Lý, Trần, Lê; Nhân vật sự kiện: Hai vị Tổng đốc Thành Hà Nội; Di tích cách mạng chống Mỹ cứu nước trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long; Khám phá lịch sử thành - hào Cổ Loa, kiến trúc Thành Cổ Loa... Đây được xem là hướng tiếp cận mới, tránh được những lối mòn cũ cùng tâm lý sợ học sử, sử là môn học khô khan... Với việc tạo ra những chương trình chơi mà học, học mà chơi; học sinh được chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm; góp phần rèn luyện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm; rèn luyện các phẩm chất cần cù, kiên trì, sáng tạo, tỉ mỉ. Không những vậy, chương trình đã tạo được ấn tượng trong lòng các bạn trẻ, tạo điều kiện để học sinh tiếp cận và hiểu thêm di sản, từ đó giúp em thêm yêu lịch sử, trân trọng các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của cha ông, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.
Không chỉ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội, mô hình giáo dục di sản trong thời gian qua tại Hà Nội đã có nhiều bảo tàng, di tích tìm được hướng đi với các chương trình hấp dẫn, giàu bản sắc. Tiêu biểu như, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với lớp học xưa, bia Văn Miếu, vinh quy bái tổ, đi tìm linh vật…; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với phòng khám phá; Bảo tàng Lịch sử quốc gia với văn minh Đại Việt, Việt Nam thời tiền sử…
Nâng cao chất lượng
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, câu chuyện giáo dục di sản để tạo ra sức hút thực sự với các bạn trẻ vẫn còn là một chặng đường dài đầy gian nan. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội Nguyễn Việt Anh thừa nhận, với đơn vị về hạ tầng trong khu di sản đến nay thực sự chưa đáp ứng khi số lượng học sinh đến đông, cùng thời điểm (trên 3.000 học sinh) dẫn đến quá tải một số khu vực: đón tiếp, bãi giữ xe, nhà vệ sinh… Bên cạnh đó, số lượng học sinh tham quan tự do, không tham gia chương trình giáo dục di sản rất đông, một phần do các nhà trường chưa tiếp cận được chương trình cụ thể, một phần do không có kinh phí tham gia, hoặc tham quan nhiều điểm một buổi nên không đáp ứng được thời gian …Các trường tham quan tự do, thường tập trung cùng thời điểm, với số lượng quá đông, gây áp lực quá tải cho khu di sản. Ngoài ra, các sản phẩm trải nghiệm, tương tác còn ít và chưa hấp dẫn, phần nào chưa phù hợp với tất cả các lứa tuổi.
Còn theo ông Lê Xuân Kiêu -Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dù mỗi năm có khoảng 300-400 đoàn tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám và khoảng 10 cuộc thi tìm hiểu, khám phá di tích Nho học ở các địa phương... nhưng sự ảnh hưởng, tính hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là chương trình học ở nhiều trường còn nặng, việc sắp xếp thời gian cho hoạt động ngoại khóa còn khó khăn, nên các mô hình hợp tác giáo dục di sản chưa được nhân rộng.
Có thể thấy những hạn chế trên một phần là do sự phối hợp giữa trường và các điểm đến di tích, bảo tàng chưa thực sự hiệu quả. Vời nhiều trường việc tổ chức các tour trải nghiệm di sản cho các học sinh hiện nay vẫn còn mang nặng tính phong trào. Thực tế các chương trình giáo dục di sản dù được được tham khảo ý kiến của các chuyên gia cũng như có sự kết hợp chặt chẽ với các nhà trường, cơ sở giáo dục nhưng khi học sinh đến tham quan chỉ đi vòng vòng, chưa kịp tìm hiểu một điểm di tích đã vội di chuyển sang điểm mới.
Để giải quyết được vấn đề này, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, trước hết cần tìm được cách làm, chương trình phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế cũng như đặc trưng, câu chuyện của di sản để phát triển. Ví dụ, với Hoàng thành Thăng Long, có thể tái hiện lịch sử bằng phương pháp sân khấu hóa, phục hồi các nghi thức trong cung đình. Còn các di sản có diện tích hạn chế có thể đầu tư cho các chương trình ứng dụng khoa học, công nghệ tham quan di sản, tổ chức các chương trình giáo dục di sản dành riêng cho các em nhỏ với gia đình. Ngoài ra, cần tính đến các giải pháp khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng, trang bị đồ dùng, dụng cụ, bổ sung hệ thống dịch vụ, sản phẩm lưu niệm giàu bản sắc, phục vụ nhu cầu của đối tượng tham gia trải nghiệm...