Nâng cao hiệu quả sáng kiến của Phật giáo về hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS

Quốc Định 21/01/2016 17:36

Ngày 21/1, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý kết quả báo cáo đánh giá “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” (SKLĐPG) tại các mô hình điểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình đã tới dự.

Nâng cao hiệu quả sáng kiến của Phật giáo về hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu tại Hội nghị.

Mục tiêu của “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo”bao gồm: Giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống chung với HIV, đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; Tăng cường chăm sóc và hỗ trợ tại cộng đồng cho trẻ em và các gia đình có người bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV; Giảm khả năng bị tổn thương do HIV cho thanh thiếu niên, gia đình và cộng đồng; Xây dựng năng lực cho các tăng ni để giải quyết các vấn đề liên quan đến HIV, góp phần thực hiện an sinh xã hội và bảo vệ trẻ em. Đưa chương trình phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình hoạt động Phật sự hàng năm của các cấp Giáo hội Phật giáo và hoạt động ngoại khóa của các trường/cơ sở đào tạo tăng ni Phật giáo; Nâng cao năng lực nhằm hỗ trợ và quản lý “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” một cách có hiệu quả; Xây dựng một môi trường hỗ trợ cho các sáng kiến liên quan đến HIV/AIDS của các tôn giáo.

Nâng cao hiệu quả sáng kiến của Phật giáo về hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS - 1

Ban chủ tọa Hội nghị.

Hỗ trợ bằng tình yêu thương chân thành

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Ban Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam, hoạt động phòng ngừa HIV là một trong những hoạt động chính, thường xuyên của SKLĐPG.

Hoạt động này được sự ủng hộ tích cực của các ban, ngành chức năng và của chính quyền địa phương, đồng thời thu hút được các nhóm tự nguyện, những người sống chung với HIV và tình nguyện viên tham gia hoạt động với các nhà chùa nên bước đầu các chùa mô hình điểm đã triển khai được nhiều hoạt động tốt, mang lại hiệu quả xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần hạn chế dần sự kỳ thị, phân biệt đối xử của người dân địa phương với người nhiễm, tạo sự bình đẳng cho những người nhiễm được tham gia các hoạt động xã hội như các thành viên khác trong cộng đồng.

Nâng cao hiệu quả sáng kiến của Phật giáo về hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS - 2

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Những hoạt động tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm/ảnh hưởng bởi HIV/AIDS bao gồm việc cung cấp dịch vụ tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS, gia đình của họ và người dân ở cộng đồng. Các phòng tư vấn hỗ trợ cộng động đã được tổ chức tại chùa điểm với mục đích tư vấn tâm lý, cung cấp kiến thức phòng ngừa HIV và chuyển tuyến người có HIV cần được hỗ trợ y tế và các dịch vụ khác. Hoạt động tư vấn không chỉ thực hiện tại chùa mà còn tại các gia đình thông qua các chuyến thăm của tăng ni. Chỉ tính riêng các chùa mô hình điểm ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP HCM, trong gần 14 năm qua đã tuyên truyền, tư vấn trực tiếp và gián tiếp qua điện thoại cho hàng chục nghìn lượt người các kiến thức về HIV/AIDS, về giải tỏa tâm lý, cách thức chung sống với HIV…

Các chùa mô hình điểm đã có nhiều sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của người nhiễm HIV vào việc giảm kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với những người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Để chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ người nhiễm HIV vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống, tăng ni đã thành lập các nhóm Tự lực hay Bạn giúp bạn dành cho người nhiễm HIV/AIDS.

Nhà chùa còn tổ chức sinh hoạt thiền và học giáo lý cho người nhiễm và gia đình của họ. Đó là những giáo lý về lòng thương, lòng bao dung, vị tha đã được giới thiệu và lồng ghép với các buổi dạy thiền và giáo lý. Thành viên của các CLB đã được xây dựng được mối quan hệ gần gũi và giúp đỡ nhau vượt qua ký thị. Hình thức sinh hoạt này đã họ giảm được lo âu, căng thẳng để tăng thể lực. Các câu lạc bộ thiền được tổ chức hàng tuần, hàng tháng, tùy vào việc tổ chức của từng nới, cho mỗi nhóm khoảng 20 người.

Từ kinh nghiệm dự án về tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có kế hoạch nhân rộng mô hình điểm của Phật giáo ra triển khai ở các tôn giáo khác.

Trên cơ sở kết quả hoạt động của SKLĐPG, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, với sự hỗ trợ của UNICEF Việt Nam đã xây dựng hướng dẫn chiến lược quốc gia về sự tham gia của tôn giáo, đồng thời với chương trình xây dựng năng lực để giúp các tôn giáo tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bằng tấm lòng bác ái, nhiều vị giám mục, linh mục và nữ tu Công giáo cũng đã tích cực tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS…

Hòa thượng Thích Thiện Đức - Uỷ viên Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay: Với tinh thần cầu thị và vì phật sự chung, 10 năm qua, chư Tăng ni và Phật tử, công tác viên, tình nguyện viên đã thực hiện sự hỗ trợ đối với hàng ngàn lượt trẻ em và gia đình bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV trên các phương diện: nâng cao năng lực, truyền thông – giảm phân biệt kỳ thị, chăm sóc và hỗ trợ trực tiếp và vận động chính sách. Chúng tôi đánh giá đây thực sự là những biểu hiện sinh động cho tinh thần nhập thế của đạo Phật bằng những việc làm thiết thực hướng đến những người không may mang trên mình căn bệnh thế kỷ. Với kết quả đó, bằng nội lực tự thận, chư Tăng Ni và Phật tử tiếp tục những hoạt động lợi đạo ích đời trong thời gian đến với sự đồng hành cùa các cấp, các ngành…

Bà Lê Hồng Loan – Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em Unicef Việt Nam đánh giá, trong từng ấy năm hợp tác, Unicef luôn nhận được sự hợp tác hiệu quả của Trung ương MTTQ và Mặt trận các địa phương. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp to lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo các địa phương. Tôi tin tưởng rằng, thời gian tới, chúng ta sẽ có nhiều sự hợp tác hơn nữa để hỗ trợ, nhân rộng, và nâng cao chất lượng các hoạt động của SKLĐPG, đồng thời có phương án vận động các nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động để SKLĐPG ngày càng phát huy hiệu quả hơn.

Tăng cường sự phối hợp, mở rộng cơ chế

Đại đức Thích Lệ Tâm – Trụ trì chùa Quang Thọ (Hóc Môn) cho rằng, chùa là nơi phù hợp cho hoạt động hỗ trợ những người bị nhiễm HIV/AIDS, bởi ở đây chúng tôi mở phòng khám bệnh và phát thuốc từ thiện, tư vấn hỗ trợ người nhiễm HIV bằng tất cả tình thương, sự thông cảm, nên những người bị nhiễm họ đến đây rất đông, xem chùa là ngôi nhà của họ…

Theo Đại đức Thích Lệ Tâm, trước đây, tại chùa được lưu hành phòng khám và phát thuốc cho người bệnh, tuy nhiên hiện giấy phép của phòng khám đã hết thời hạn nhưng chưa được cấp lại. Hiện nay, phòng khám hiện đã không còn được cấp giấy phép hoạt động, Đại đức Thích Lệ Tâm đề nghị, các ngành chức năng cần cấp lại giấy phép để tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện những công việc thiện nguyện, đồng thời với phòng khám được đi vào hoạt động thì phòng tư vấn cũng hoạt động hiệu quả hơn.

Nâng cao hiệu quả sáng kiến của Phật giáo về hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS - 3

Tăng cường hoạt động hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

Đại đức Thích An Đạt – Thư ký Ban thực hiện dự án SKLĐPG đề nghị, cần có văn bản đốc thúc, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan tại các địa phương tăng cường phối hợp với Hội Phật giáo ở các địa phương thực hiện việc hỗ trợ những người bị nhiễm HIV. Đại đức Thích An Đạt mong muốn, các tổ chức Quốc tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần cần kịp thời khen thưởng nhằm ghi nhận những công lao, đồng thời động viên những người thực hiện công việc này.

Ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị, qua khám sát, đánh giá và phỏng vấn sâu trên các đối tượng liên quan ở các chùa mô hình điểm, các vị lãnh đạo, tăng ni Phật giáo, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp, cha mẹ của những người có HIV và những tình nguyện viên kiến nghị Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Unicef Việt Nam tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động cùa “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo”. Có phương án vận động, tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động trong SKLĐPG từ nhiều nguồn xã hội hóa và từ sự hỗ trợ của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc…để duy trì và nâng cao tính bền vững các mô hình điểm và SKLĐPG sau khi hết chu kỳ và không còn sự hỗ trợ trực tiếp của Unicef Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình đánh giá, dự thảo đã nêu được những kết quả cụ thể, tích cực trong việc tham gia của các vị chức sắc, phật tử, tình nguyện viên tham gia tại các mô hình điểm ở các chùa, đã đóng tích cực vào việc truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về tình hình đại dịch HIV/AIDS; trách nhiệm của xã hội, trong đó đi đầu là các tu sỹ, đồng bào Phật tử của Phật giáo trong việc chăm lo, giúp đỡ những người bị lây nhiễm; phòng chống HIV/AIDS là việc làm rất phù hợp với giáo lý và hạnh nguyện tu tập của chức sắc và đồng bào Phật tử Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả sáng kiến của Phật giáo về hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS - 4

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các mục tiêu được nêu ra trong KH số 246, ngày 3/5/2012 của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như: Nâng cao nhận thức của các vị lãnh đạo giáo phẩm thuộc các cấp Giáo hội và tăng ni, phật tử về công tác phòng, chống HIV/AIDS; Xây dựng và tiến tới nhân rộng các mô hình điểm Phật giáo tham gia phòng chống HIV/AIDS tại các chùa là phù hợp về phương thức thực hiện. Từng bước huy động có hiệu quả các nguồn lực về vật chất, tinh thần của chức sắc và phật tử, đồng thời lan tỏa ra đến các cộng đồng dân cư và toàn xã hội trong quá triển lồng ghép vào Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở KDC để thực hiện thắng lợi công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta.

Theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, một số trường hợp cụ thể đang gặp khó khăn về mặt pháp lý, như Phòng tham vấn và phát thuốc của chùa Quang Thọ, đề nghị UBMTTQ TP Hồ Chí Minh, phối hợp với Sở Y tế Thành phố xuống tận nơi khảo sát, tìn hiểu, nếu chưa đủ cơ sở pháp lý thì hướng dẫn thực hiện. Nếu khó quá không giải quyết được thì báo cáo về Trung ương để tìm hiểu, giải quyết cụ thể.

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình tiếp thu và cảm ơn các vị đại biểu, các đơn vị làm điểm, Ban Thường trực UBMTTQ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội để tiếp tục hoàn thiện thành báo cáo chính thức. Đồng thời đề nghị UNICEP Việt Nam tiếp tục hỗ Trợ về mặt kỹ thuật để chúng ta tiếp tục hoàn thiện đến mức cao nhất các mô hình điểm và nhân rộng ra trên nhiều địa phương trong cả nước, cũng như rút kinh nghiệm để mời gọi các tôn giáo khác tham gia vào việc làm có ý nghĩa xã hội, nhân văn, cao đẹp này, cùng với cả nước giải quyết những vấn đề của xã hội để xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao hiệu quả sáng kiến của Phật giáo về hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO