Sau 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU(EVFTA), Việt Nam thu về không ít kết quả tích cực. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, thị phần của nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như thủy sản, rau quả, may mặc tại EU còn rất thấp. Vì sao vậy?
Kim ngạch xuất khẩu còn khiêm tốn
Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), EU là thị trường có sức mua cao. Sau 2 năm thực hiện EVFTA, Việt Nam thu về không ít kết quả tích cực. Tuy nhiên, thị phần của nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như thủy sản, rau quả, may mặc tại EU còn rất thấp với con số tương ứng lần lượt khoảng 2-3%, 4% và hơn 4% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU.
Cũng theo ông Khanh, thời gian qua nhiều doanh nghiệp(DN) Việt đã có sản phẩm thương hiệu tại thị trường EU như rau quả DOVECO, gạo Lộc Trời, cà phê Vĩnh Hiệp, hồ tiêu Khương Sinh… tuy nhiên, số lượng những thương hiệu như thế còn khá khiêm tốn.
Ở góc độ DN, ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), cho biết, sau khi có EVFTA, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, khi xuất khẩu sang EU có những khó khăn nhất định. Yêu cầu của EU là chất lượng phải đảm bảo, số lượng phải cung cấp thường xuyên. Các DN phải đảm bảo được nguồn nguyên liệu chuẩn, máy móc chế biến hiện đại…
Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, cứ 10 DN sẽ có 4 DN đã tận dụng được lợi ích nào đó từ hiệp định, trong đó có những lợi ích về xuất nhập khẩu. Điều này cho thấy đã có cải thiện về xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2021 vẫn chưa chưa đầy 12%. Theo khảo sát của VCCI, lý do lớn nhất của tình trạng trên là nhiều DN chưa từng có giao dịch nào với thị trường EU, cho nên không hưởng lợi từ hiệp định này. Ngoài ra, do năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn hạn chế nên chưa gia tăng xuất khẩu tại thị trường khó tính này.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại ngành hàng
EU là một thị trường có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt. Do vậy, để hàng hóa hiện diện tốt hơn tại thị trường EU, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, cần làm tốt hơn hoạt động xúc tiến thương mại theo cách chuyển từ việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm của DN sang xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng. Đối với công tác kết nối, hiện nay, một số thương vụ của Việt Nam đang làm tốt công việc này và đã bước đầu mang lại cái kết quả rất tích cực.
Một số ý kiến cũng cho rằng, cần hỗ trợ các DN vượt qua những rào cản về mặt kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm… như hỗ trợ kiểm tra miễn phí để đảm bảo hàng hóa an toàn cho xuất khẩu, không bị trả lại. Thậm chí cần phải khuyến cáo rõ các yêu cầu của EU đối với DN, trên cơ sở đó họ sẽ tuân thủ để có thể tiếp cận được thị trường.
Với kinh nghiệm của ngành xuất khẩu rau quả ông Đinh Cao Khuê cho rằng, để các DN cạnh tranh được không những ở thị trường EU mà còn ở các thị trường khác thì bản thân DN phải có khả năng cạnh tranh. Trong đó cạnh tranh bằng giá cả là nhân tố quyết định. “Chúng ta muốn giá cả cạnh tranh thì phải sản xuất lớn, năng suất lao động tăng lên, giá thành giảm thì sẽ cạnh tranh được. Các nhà máy sản xuất phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt, cần phải xây dựng và phát triển tốt các chuỗi liên kết dọc từ bà con nông dân, các hợp tác xã đến các thương lái” - ông Khuê nhấn mạnh.
Theo ông Ngô Chung Khanh, hiện nay Bộ Công thương đang triển khai phối hợp với các tỉnh, thành theo hướng tập trung vào các mặt hàng chiến lược, thế mạnh của từng tỉnh, thành để cùng xây dựng các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ sát hơn, hiệu quả hơn.
Đồng thời, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, việc kết nối tất cả những chủ thể tham gia vào quá trình thực thi các FTA, từ cơ quan trung ương đến địa phương, DN xuất khẩu, DN nhập khẩu, DN tư vấn, các hiệp hội... thành một chuỗi và có sự hỗ trợ lẫn nhau sẽ thúc đẩy tận dụng tối đa Hiệp định EVFTA, tăng giá trị thương hiệu của Việt Nam.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công thương chia sẻ tư duy của người châu Âu, kể cả trong quá trình đàm phán hay trong quá trình thực thi đều có một đặc điểm là họ không chỉ quan tâm đến giá thành sản phẩm, không chỉ quan tâm đến chất lượng mà còn quan tâm đến cách thức làm ra sản phẩm, hay cách DN đối xử với người lao động, đối xử với môi trường, đối xử với xã hội như thế nào. Đấy là một đặc điểm mà các không ít DN Việt Nam biết nhưng không phải DN nào cũng sẵn sàng chuẩn bị.