Đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền nâng cao nhận thức đến công tác tổ chức mở các lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho học viên sau khi đào tạo... Đây là định hướng của quận Ô Môn, TP Cần Thơ trong thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, qua đó mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo ngày càng cao.
Chị Nguyễn Thanh Thủy ở khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn tranh thủ đan ghế, để kịp giao đơn hàng cho khách.
Tuyên truyền sâu rộng
Ngay từ đầu năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) quận Ô Môn đã quan tâm tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận củng cố Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề. Trong đó, giao nhiệm vụ cho từng thành viên chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát địa bàn phụ trách để chỉ đạo, đôn đốc và hỗ trợ địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn.
Để đạt mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo luôn chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ và nhân dân, nâng cao nhận thức trong việc tham gia học nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống. Chú trọng dạy nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người được hưởng chính sách, có công với cách mạng, người tàn tật, dân tộc thiểu số...
Phối hợp với UBND các phường, thông qua các buổi họp dân, cử cán bộ đến các hộ dân lồng ghép để tư vấn, giới thiệu, tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích của việc học nghề. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hóa, lồng ghép các hình thức tuyên truyền để đảm bảo hầu hết người dân được nghe, xem các nội dung, các chương trình về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động.
Ông Trương Văn Phúc - Trưởng Phòng LĐTB&XH quận Ô Môn cho biết: Nội dung dạy nghề chúng tôi tập trung nhiều thời gian cho thực hành, đây là cách để giúp học viên có tay nghề thành thạo sau khi kết thúc khóa học, có được việc làm ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Khi khai giảng các lớp nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận đã mời các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài quận. Sau khi bế giảng, các công ty, cơ sở này sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 85% đối tượng tham gia học nghề. Từ đó giúp học viên yên tâm, kiên trì theo học, hướng đến có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình.
Trong quá trình vận động học viên ra lớp, tổ chức khai giảng, sinh hoạt lớp, đơn vị đào tạo cũng đã sinh hoạt công khai đầy đủ, cụ thể về các chế độ chính sách, chế độ ưu tiên cho người học nghề. Qua đó nâng cao ý thức học tập, mức độ quan tâm người dân trong việc giới thiệu vai trò của học nghề. Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề được thực hiện đều tại các phường, đúng đối tượng. Đồng thời tư vấn, định hướng người lao động học những nghề phù hợp với thị trường lao động, những nghề dễ tìm việc làm tại địa phương.
Hiệu quả thiết thực
Chị Nguyễn Thanh Thủy ở khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn trước đây là học viên của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hiện nay thành viên của Tổ hợp tác đan ghế nhựa khu vực 5, cho biết, chị đã theo học lớp nghề đan ghế nhựa từ hơn một năm trước. Sau khi hoàn thành khóa học, chị đã tham gia tổ hợp tác và có công việc làm ổn định đến nay, với thu nhập trung bình gần 100.000 đồng mỗi ngày. “Tổ hợp tác có 20 thành viên, đa phần là người lớn tuổi, thiếu công ăn việc làm, lúc đầu cũng chỉ nghĩ làm thêm thôi nhưng giờ xem như là nghề chính rồi” - chị Thủy chia sẻ.
Theo UBND phường Trường Lạc, quận Ô Môn, từ khi Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai trên địa bàn phường luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, phối hợp của ban ngành, đoàn thể, các khu vực và sự hưởng ứng của người dân nên công tác đào tạo nghề đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2018, phường đề xuất 3 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và đã được giao cả 3 lớp, gồm các nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vú sữa và kỹ thuật trồng hoa màu các loại.
Thực hiện Đề án năm 2018, quận Ô Môn đã tổ chức mở 14 lớp đào tạo nghề với gần 500 học viên tham gia. Trong đó, có 11 lớp nghề phi nông nghiệp (đan lát, may gia dụng, may công nghiệp, chằm nón, nề...) và 3 lớp nghề nông nghiệp (kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái). Các thành viên Ban Chỉ đạo phối hợp với cán bộ quản lý lớp nghề phường thường xuyên kiểm tra số học viên, bài giảng các lớp nghề, giám sát, tổ chức đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án.
Đại diện Phòng LĐTB&XH quận Ô Môn cho biết: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, sẽ tăng cường công tác tư vấn học nghề, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đảm bảo thông tin đến tận người dân, nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động để họ phấn đấu học tập, tham gia lao động, có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, vận động con em hộ nghèo chưa có việc làm tham gia học nghề.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát đánh giá, kịp thời khắc phục những khó khăn, biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong quá trình triển khai thực hiện. Tăng cường liên kết với các công ty, xí nghiệp dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề để giới thiệu việc làm cho học viên sau khi học nghề, đồng thời nhân rộng các mô hình giải quyết việc làm có hiệu quả...