Nâng cao thu nhập cho người trồng lúa

Trung Kiên 15/08/2021 13:00

Vài năm trở lại đây, sản xuất lúa gạo liên tục thắng lợi, được mùa, giá cũng cơ bản ổn định, nhiều sản phẩm lúa gạo thơm ngon, chất lượng cao đang khẳng định thương hiệu lúa gạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên nhìn nhận thực tế, để cho ra sản phẩm lúa gạo, nhất là các sản phẩm lúa gạo chất lượng cao người dân phải đầu tư rất nhiều, nhưng giá thành và lợi nhuận lại chưa tương xứng. Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, đòi hỏi ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân nhiều giải pháp trong đó có vấn đề cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành và nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm.

Có thể nói chương trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo xuất khẩu đang là chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ, Bộ NNPTNT, đồng thời các địa phương cũng có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất ngành hàng này.

Thời gian qua, để giảm thiểu tối đa nhất cho phí đầu tư sản xuất, người dân ở ĐBSCL đã nghĩ ra nhiều cách, trong đó là việc phần lớn nông dân giảm chi phí đầu tư hạt giống bằng cách giảm số lượng hạt giống trên một diện tích gieo sạ lúa ở mức 100 đến 120 kg/ha trở lại, giảm gần 1 nửa so với trước. Việc chọn giống tốt và gieo sạ thưa cũng tạo không gian thuận lợi để cây lúa phát triển nhanh và khỏe mạnh, ít sâu bệnh, mang lại lợi nhuận cao.

Mặc dù người dân đã dùng rất nhiều biện pháp nhưng nhìn chung lợi nhuận thu về vẫn chưa tương xứng. Vụ hè thu 2021 này do diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn, thương lái cũng không đến ruộng thu mua do giãn cách xã hội nên lúa hiện đang ùn ứ ở ruộng và trong nhà dân rất nhiều. Vụ hè thu này nếu ngành chức năng không tính toán cụ thể phương án thu gom lúa, giá lúa sẽ giảm xuống rất nhiều, người nông dân tiếp tục bị thiệt hại nặng nề…

Trong cuộc họp tìm giải pháp phát triển lúa gạo mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chi phí sản xuất lúa tại các địa phương trong vùng chênh lệch tới 1.000 đồng/kg lúa. Cục Trồng trọt cần phối hợp các địa phương phân tích, đánh giá xem tại sao giữa các địa phương gần kề nhau mà chi phí sản xuất lại chênh lệch lớn như vậy. Số tiền 1.000 đồng đó chính là lợi nhuận tăng thêm nếu chúng ta giảm giá thành sản xuất.

Qua khảo sát, tính toán về giá thành sản xuất lúa ở ÐBSCL của Cục Trồng trọt: Chi phí làm đất chiếm 8%, giống 9%, phân bón chiếm 22% và thuốc bảo vệ thực vật chiếm 16%, chi phí thu hoạch 11% và chi phí lao động chiếm 28% trong tổng chi phí. Như vậy, tổng các chi phí mà người dân bắt buộc phải bỏ ra tới 66%, nếu giá thành cao còn thu nhập tạm được, nếu giá lúa bấp bênh nông dân hết đường tái đầu tư sản xuất.

Do vậy, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa để thay cho lao động chân tay nhằm giảm chi phí và bố trí, sử dụng hợp lý các loại vật tư nông nghiệp đầu vào là các vấn đề quan trọng giúp nông dân giảm giá thành sản xuất nâng cao thu nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao thu nhập cho người trồng lúa