Sáng 12/3, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội thảo “Hoạt động giám sát qua nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của MTTQ Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”.
Hiện nay, hình thức giám sát qua nghiên cứu, xem xét văn bản là hình thức giám sát mà theo đó MTTQ Việt Nam các cấp qua quá trình hoạt động, qua ý kiến kiến nghị của cử tri và qua các kênh thông tin khác nhận thấy văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện còn có chỗ chưa phù hợp, còn nhiều điểm bất cập, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân thì tiến hành giám sát bằng cách tổ chức nghiên cứu, xem xét văn bản đó để đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai, việc giám sát qua nghiên cứu, xem xét văn bản so với các hình thức giám sát khác vẫn còn khiêm tốn, chưa thực hiện được nhiều, chất lượng chưa được đánh giá. Số lượng các cuộc giám sát văn bản ở cấp Trung ương còn ít, MTTQ cấp tỉnh nhiều nơi chưa tổ chức thực hiện được hoạt động giám sát nghiên cứu, xem xét văn bản; ở cấp huyện, cấp xã càng ít hoặc không tổ chức thực hiện được hình thức giám sát này,…
Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận, đưa ra các giải pháp và đề xuất, kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện thể chế và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của MTTQ Việt Nam đã được pháp luật quy định, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát của MTTQ Việt Nam và Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.
Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, giám sát văn bản khác với việc góp ý hay phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đó là bước theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các kiến nghị sau giám sát của cơ quan đã ban hành văn bản.
“Chừng nào các kiến nghị sau giám sát văn bản được thực hiện trong thực tế thì giám sát văn bản mới chấm dứt và có hiệu lực, hiệu quả”, ông Trần Ngọc Đường khẳng định.
GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, trong nội dung các bản kiến nghị sau giám sát cần chú ý nội dung làm căn cứ vào tính chất, mức độ thiệt hại đến lợi ích của nhà nước và cá nhân,... đồng thời cần xác định thời gian, yêu cầu thủ trưởng cơ quan ban hành văn bản trả lời việc tiếp thu các kiến nghị để tạo thuận lợi cho việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát văn bản.
Ở khía cạnh khác, ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, trong tình hình hiện nay, trước sự phát triển của khoa học và công nghệ, các văn bản quy phạm pháp luật rất dễ bị lạc hậu và không kịp điều chỉnh so với tốc độ phát triển của xã hội. Chính vì vậy, công tác phản biện xã hội của MTTQ các cấp cần được đẩy mạnh thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, doanh nghiệp tham gia ý kiến góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.
Cũng theo ông Đàm Văn Huân, đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật cần thường xuyên tham gia bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ ban hành văn bản, kỹ năng xây dựng, phân tích chính sách, tăng cường đánh giá tác động của chính sách trên địa bàn để có hướng điều chỉnh kịp thời, đưa các quy định của luật gắn với thực tiễn cuộc sống.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, để đẩy mạnh chất lượng hoạt động giám sát văn bản của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức về giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, coi đây là một trong những hình thức giám sát quan trọng, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong những văn bản đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Nhấn mạnh tới công tác phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc tập hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân để làm căn cứ cho công tác giám sát bằng hình thức nghiên cứu xem xét văn bản.
“Mặt trận phải thường xuyên tập hợp, tổng hợp thông tin thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội để nâng cao tính thiết thực và hiệu quả của giám sát văn bản”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nêu rõ.