Điều 199 Luật Đất đai đã quy định rõ những nội dung cốt lõi về quyền giám sát của dân: chủ thể giám sát – khoản 1; tính chất & mục đích giám sát – khoản 2; nội dung giám sát – khoản 3; hình thức giám sát – khoản 4; và trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi nhận được đề nghị, kiến nghị của dân hoặc người đại diện của dân về kết quả giám sát - khoản 5. Đây là cách hiện thực hóa khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dần làm, dân kiểm tra”.
Ảnh minh họa.
Đây còn là cách luật hóa Điều 9 Hiến pháp năm 2013 về quyền giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của dân. Nhân dân là người chủ của đất nước. Quyền giám sát của dân là quyền làm chủ thực sự của dân. Quyền giám sát của dân không bị hạn chế ở bất kỳ lĩnh vực nào, cấp nào, cá nhân viên chức nào của Nhà nước. Nhưng tùy theo trình độ dân trí và nhu cầu của thực tiễn, phạm vi, đối tượng giám sát sẽ được mở rộng dần.
Giám sát thực thi Luật Đất đai hiện đang là một nhu cầu nóng bỏng. Sự vi phạm quyền làm chủ của dân và phần lớn khiếu kiện của dân đều thuộc lĩnh vực đất đai. Nhiều vướng mắc lâu nay trong thực thi quyền giám sát của dân, nói chung, trong lĩnh vực đất đai, nói riêng, nay đã có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để giải quyết.
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Chính phủ đã ban hành một số nghị định hướng dẫn thi hành. Một số địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Cần Thơ, Quảng Bình, Hòa Bình với sự cộng tác của Trường Đại học Cần Thơ, Hội Nông dân, Liên hiệp Các Hội khoa học - kỹ thuật các tỉnh Quảng Nam, Bắc Giang, Cần Thơ và một số tổ chức phi lợi nhuận như: Scode, Asiaplant, Salung tiến hành xây dựng các mẫu hình giám sát thực thi Luật Đất đai.
Các tổ chức này đã được các UBND huyện, xã giúp đỡ, tạo điều kiện cho các Tình nguyện viên tiến hành khảo sát và tiếp xúc với nhân dân tại các xã Nội Hoàng, Nham Sơn thuộc huyện Yên Dũng; xã Tân Dĩnh, thị trấn Vôi thuộc huyện Lạng Giang; xã Tân Phú, xã Tam Phú thuộc huyện Núi Thành; phường Tam Phú, phường Tam Xuân 1 thuộc Thành phố Tam Kỳ; xã Trung Hưng, xã Thạnh Phú huyện Thới Lai; xã Thới Thạnh, xã Định Môn huyện Cờ Đỏ. Các cuộc khảo sát đều đề cập đến cả 6 nội dung giám sát của nông dân trong quản lý, sử dụng đất đai được quy định tại các mục: “a, b, c, d, đ, và e của Khoản 3, Điều 199 Luật Đất đai 2013”.
Các cuộc khảo sát cho thấy rằng nếu 6 nội dung giám sát đã được Luật quy định được tiến hành có bài bản thì khiếu kiện trong dân sẽ giảm đi nhiều. Không những vậy, nó sẽ góp phần giữ vững sự ổn định, đoàn kết trong đời sống xã hội. Qua khảo sát, nhân dân, UBMT và chính quyền địa phương nhận thấy có một số vấn đề trọng tâm, mang tính đột phá cần làm tốt nhằm lấy điểm để thúc đẩy diện. Đó là các vấn đề về giá đất, bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất và nâng cao trình độ, năng lực giám sát của Nhân dân.
Về giá đất: Qua tham vấn, nhân dân cho rằng giá đất chưa đảm bảo sự cân bằng của ba lợi ích: Nhà nước, tập thể và cá nhân. Nguyên nhân là cơ sở xác định giá đất thiếu căn cứ khoa học, thực tiễn và thiếu dân chủ trong thực hiện. Cần thay đổi các tiêu chí xác định giá đất và cách tiến hành nhằm đảm bảo được sự cân bằng giữa ba lợi ích. Đó là nhân tố cơ bản trong thực hiện đại đoàn kết và đảm bảo ổn định và phát triển bền vững của xã hội.
Về đền bù, hỗ trợ cho người dân khi bị thu hồi đất: Đảm bảo cho người bị thu hồi đất có cuộc sống tốt hơn, chí ít là như trước là chính sách cơ bản của Nhà nước. Nhà nước cần mở rộng việc hỗ trợ miễn phí hoặc với phí tối thiểu về kỷ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và bảo đảm đầu ra cho dân. Gắn lợi ích nhà khoa học với nhà sản xuất. Giúp dân biết cách làm cho các khoản tiền được đền bù, hỗ trợ sinh thêm lợi. Không phải ai cũng biết cách tiêu tiền khi có nhiều tiền trong tay. Không để người dân ngồi không tiêu xài. Nếu không thì tiền nhiều bao nhiêu cũng không đủ mà còn phát sinh tiêu cực.
Tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục quyền làm chủ, trước mắt là quyền giám sát của dân: Để làm được điều này, nhân dân mong muốn trước hết có được những văn bản pháp luật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tuân theo, dễ kiểm tra. Ngắn gọn thì dễ tiếp cận, dễ hiểu. Dễ hiểu thi dễ thi hành. Dễ thi hành thì dễ tuân theo, dễ phân biệt đúng sai. Tất cả những điều đó sẽ làm cho pháp luật được chấp hành nghiêm.
Thực trạng pháp luât, trong đó có cả Luật Đất đai còn rườm rà, nhiều mâu thuẫn chồng chéo. Luật Đất đai 2013 có 44 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành. Nhân dân không mong muốn 44 điều Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành sẽ trở thành 44 nghị định. Mỗi nghị định lại có hàng trăm điều.
Nếu vậy, Luật Đất đai sẻ trở thành “rừng luật”. Chính phủ nên có kế hoạch giao cho các Bộ, ngành liên quan cùng phối hợp soạn thảo ra nhiều nhất là 4 nghị định để hướng dẫn thi hành luật. Càng ít nghị định càng tốt.
Qua khảo sát, các tình nguyện viên đã đưa ra một số mẫu hình thực thi quyền giám sát của dân trong quản lý sử dụng đất đai để thực nghiệm. Quy trình thực nghiệm gồm ba giai đoạn: Trước, trong và sau giám sát. Trong từng giai đoạn lại có định ra quy trình, nội dung công việc các bước cụ thể. Làm xong bước một thì tiếp bước hai, tiếp đến bước ba…
Cuộc khảo sát của các tổ chức phi lợi nhuận được tiến hành trong thời gian ngắn, địa điểm khảo sát tuy chưa được rộng khắp nhưng đã có cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Ủy ban MTTQ các cấp và chính quyền địa phương nơi tiến hành khảo sát, thí điểm hoan nghênh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhóm tình nguyện viên hoạt động. Nhân dân cho rằng đây là cách cầm tay chỉ việc và mong muốn được tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng để áp dụng cho mọi đối tượng và lĩnh vực giám sát.