Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay phần lớn các doanh nghiệp đã ý thức được đây là cơ hội để đem đến cho thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín thương hiệu.
Đó là khẳng định của ông Trần Công Thắng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bắc Giang, Phó Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bắc Giang.
Ông Trần Công Thắng.
PV: Xin ông cho biết kết quả nổi bật 10 năm thực hiện CVĐ trên địa bàn tỉnh?
Ông Trần Công Thắng: Ngay sau thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bắc Giang đã chủ động, tích cực triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc tỉnh, huyện được thành lập và thường xuyên được kiện toàn, hoạt động theo quy chế. Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Bí thư Thường trực cấp ủy, Cơ quan thường trực là MTTQ...
Với phương châm “Đồng hành giữa Chính quyền - Doanh nghiệp và người tiêu dùng” đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng về hàng Việt. 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của Bắc Giang được quảng bá, giới thiệu rộng rãi ở trong và ngoài nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức diễn đàn như: “Ngày hội mỗi làng một sản phẩm”, “Ngày hội trái cây” với những sản phẩm chủ lực như vải thiều, cây ăn quả có múi huyện Lục Ngạn; gà đồi, chè Bản Ven huyện Yên Thế; nếp cái hoa vàng Thái Sơn, bưởi Lương Phong... được quảng bá rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX cũng chủ động xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, chất lượng, cũng như giá cả có sức cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng.
10 năm là quãng thời gian khá dài đủ để khẳng định thành công nhìn từ một CVĐ. Xin ông cho biết kết quả, ý thức của người dân đã thay đổi như thế nào khi thực hiện CVĐ này?
- Về kết quả CVĐ, người dân đã có những chuyển biến rõ nét, tỷ lệ người tiêu dùng trong tỉnh quan tâm đến hàng Việt tăng cao; trước khi có Cuộc vận động chỉ có 28% (năm 2010), đến nay đã có trên 90% (năm 2018) người tiêu dùng quan tâm, mua sắm, tiêu dùng hàng Việt. Nhìn từ kết quả 10 năm thực hiện CVĐ cho thấy, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Vì vậy, CVĐ tiếp tục góp phần vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân trong lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, đồng thời giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình để không ngừng cải tiến, đổi mới quy trình sản xuất... đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Thưa ông, trong quá trình thực hiện CVĐ trên địa bàn tỉnh, khó khăn lớn nhất là gì?
- Khi thực hiện CVĐ này, khó khăn chúng tôi gặp phải rất nhiều. Trong đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về CVĐ. Việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thường xuyên; mẫu mã hàng hóa chưa phong phú, hình thức chưa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và chưa theo kịp với xu thế phát triển của thị trường, hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng chưa hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của CVĐ, chưa nhận thức được đây là cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nên chưa tích cực tham gia.
Về khách quan, Bắc Giang là tỉnh miền núi với khoảng 1,6 triệu dân, trong đó 90% dân số sống ở khu vực nông thôn, thu nhập của bà con còn rất thấp nên tâm lý băn khoăn khi lựa chọn sản phẩm còn nhiều. Đó là chưa kể 10 năm CVĐ đã tạo ra một lối mòn trong tâm lý cho nên nếu không thực hiện khéo, tuyên truyền khéo, vận động khéo sẽ khiến cho một bộ phận nhân dân thờ ơ với CVĐ. Hiện chúng tôi cũng đang tìm giải pháp để giảm bớt những khó khăn này.
Trọng tâm hoạt động khi triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Để thực hiện việc này tốt hơn, Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện CVĐ hằng năm, 5 năm cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Các cơ quan, đơn vị cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện CVĐ một cách bài bản, cụ thể cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của từng đơn vị, từng địa phương.
Trân trọng cám ơn ông!