Dù y học ngày càng tiến bộ, nhưng hành trình điều trị bệnh ung thư vẫn là chặng đường dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa điều trị và chăm sóc. Trong đó, điều dưỡng là lực lượng đóng vai trò trung tâm nhưng lâu nay vẫn chưa được nhìn nhận đầy đủ.
Vai trò then chốt của điều dưỡng
Ung thư không chỉ là căn bệnh gây gánh nặng cho y học hiện đại, mà còn tác động sâu sắc tới tâm lý, thể chất người bệnh cũng như gia đình họ. Với đặc điểm phức tạp như dễ tái phát, có nguy cơ di căn cao, quá trình điều trị ung thư đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa điều trị và chăm sóc, trong đó, lực lượng điều dưỡng đóng vai trò không thể thay thế.
GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh: “Điều dưỡng không chỉ là việc thực hiện các quy trình kỹ thuật, mà cần xây dựng mối quan hệ gần gũi với người bệnh, lắng nghe, hỗ trợ tinh thần, giảm đau, quản lý tác dụng phụ và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi phục của người bệnh”.
Vị thế của điều dưỡng trong hệ thống y tế ngày càng được khẳng định. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận dịch vụ chăm sóc của điều dưỡng là một trong những trụ cột của hệ thống y tế toàn cầu. Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế cũng đưa ra thông điệp: “Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Chăm sóc sức khỏe cho người điều dưỡng cũng là tăng cường hiệu quả về kinh tế”.
Phát huy năng lực hệ thống
Việc nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh ung thư tại các cơ sở y tế không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là thước đo năng lực nhân lực và mức độ nhân văn của hệ thống y tế. Tuy đóng vai trò quan trọng nhưng hiện nay, công tác điều dưỡng tại nhiều cơ sở y tế vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn.
TS.BS Dương Huy Lương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ: Nhiều nơi vẫn còn quan niệm cho rằng “nghề điều dưỡng là nghề phục vụ”, điều dưỡng chỉ là người làm theo y lệnh của bác sĩ. Theo ông Lương, nhân lực điều dưỡng hiện còn thiếu hụt về số lượng và chưa đồng đều về chất lượng. Việc đào tạo chưa sát thực tiễn, nhiều điều dưỡng hành nghề không đúng chuyên môn, hệ thống quản lý còn lỏng lẻo. Nhiều nơi, việc chăm sóc người bệnh vẫn phụ thuộc vào người nhà, trong khi người điều dưỡng lại bị quá tải bởi hành chính, chưa có đủ thời gian dành cho người bệnh.
Thực trạng này cũng được Thiếu tá Chủ nhiệm Ban Y tá Điều dưỡng Trần Thị Phương Lan (Bệnh viện Quân y 354) phản ánh: Nhiều điều dưỡng còn hạn chế về ngoại ngữ, tin học và kỹ năng giao tiếp. Nhiều điều dưỡng chưa nhiệt tình, thiếu niềm nở, chưa thật sự thông cảm với người bệnh.
Để khắc phục, Bộ Y tế đã triển khai Chương trình hành động quốc gia tăng cường công tác điều dưỡng giai đoạn 2013 - 2020, với các mục tiêu: nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện pháp luật bảo vệ tính độc lập của nghề điều dưỡng, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn hóa hệ thống quản lý.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần tiếp tục gia hạn và cập nhật chương trình phù hợp với thực tế mới. Trong đó, việc xây dựng lộ trình đào tạo điều dưỡng chuẩn hoá từ trung cấp lên cao đẳng, đại học và sau đại học là yêu cầu cấp thiết. Đặc biệt, nên hình thành các trường đại học điều dưỡng độc lập, tránh tình trạng giáo viên giảng dạy điều dưỡng lại chủ yếu là bác sĩ như hiện nay.
Nâng tầm chuyên môn
Gần đây, Bệnh viện K đã phối hợp cùng Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo Điều dưỡng ung thư toàn quốc lần thứ II, thu hút gần 1.000 đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó có các đoàn từ Nhật Bản, Indonesia, Singapore. Với chủ đề “Nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh ung thư: Từ lý thuyết đến thực hành”, Hội thảo đã đi sâu vào các lĩnh vực như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ và quản lý người bệnh.
Một điểm nhấn quan trọng tại hội thảo là phiên vệ tinh “Nâng cao năng lực điều dưỡng trong quản lý và chăm sóc người bệnh ung thư”, nơi các điều dưỡng chia sẻ kinh nghiệm thực hành, nghiên cứu khoa học, và các giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ điều dưỡng. Đây được đánh giá là diễn đàn khoa học chuyên sâu, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và tăng cường gắn kết đội ngũ điều dưỡng trên toàn quốc.
TS.BS Dương Huy Lương nhấn mạnh, ngành y tế cần tiếp tục quan tâm phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng, cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường công nghệ, hướng tới mục tiêu “bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho mọi người”.
Để đạt được điều đó, mỗi cán bộ điều dưỡng cũng cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, khả năng sử dụng công nghệ và ngoại ngữ, từ đó tự tin hành nghề, thực hiện can thiệp chăm sóc độc lập, thay vì chỉ làm theo y lệnh.
Theo GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K, để đạt được mục tiêu chăm sóc toàn diện và bền vững, cần thực hiện 3 hành động then chốt: tôn trọng và đãi ngộ xứng đáng với điều dưỡng; bảo vệ điều dưỡng trong môi trường làm việc độc hại; đầu tư đúng mức cho chính sách nghề nghiệp, đào tạo và trang thiết bị phục vụ công tác điều dưỡng.