Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho biết, MTTQ các cấp thành phố thời gian qua đã phát huy tích cực vai trò chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức hoạt động giám sát, lắng nghe ý kiến nhân dân, dư luận, báo chí. Qua đó, kịp thời báo cáo cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền kịp thời giải quyết những phản ánh, kiến nghị, góp ý thiết thực của nhân dân.
Thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, từ năm 2015 đến nay, hệ thống MTTQ các cấp Thành phố đã chủ trì, phối hợp tổ chức giám sát ở 20 nội dung, với hơn 3 ngàn cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất, trong đó tập trung vào các lĩnh vực mà người dân quan tâm, kiến nghị.
Cũng trong thời gian trên, Mặt trận đã tổ chức và mời các Ủy viên Ủy ban MTTQ thành phố, các thành viên Hội đồng tư vấn, chuyên gia, nhà khoa học tham gia 321 hội nghị phản biện xã hội đối với các đề án, kế hoạch liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, Dự thảo Đề án thực hiện chính quyền đô thị của TP HCM… Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng, bồi thường - hỗ trợ tái định cư, thoát nước đô thị, rác thải, ô nhiễm môi trường; an ninh trật tự.
Góp ý cho dự thảo Đề án nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam TP HCM, Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Hội Luật gia TP HCM) cho rằng, hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội phụ thuộc rất nhiều vào khâu tiếp nhận xử lý các ý kiến phản biện của các chủ thể có thẩm quyền. “Phản biện dù có hay, mạnh mẽ và thuyết phục đến đâu nếu không tiếp nhận và xử lý thì cũng không giải quyết được vấn đề. Đặc biệt, các chủ thể khi tiếp nhận xử lý các ý kiến phản biện có thể chấp nhận sửa đổi phương án cũ hoặc không chấp nhận thay đổi” - ông Hậu nhấn mạnh.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc xử lý có thể theo chiều hướng chấp nhận, hoặc không chấp nhận đều phải có lý do và sự giải trình cụ thể và công khai để chủ thể phản biện biết được ý kiến phản biện vì sao được chấp nhận, hoặc không được chấp nhận. Cơ sở để thực hiện được hoạt động này chính là pháp luật phải có quy định cụ thể, rõ ràng và minh bạch về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận ý kiến phản biện.
“Nếu xây dựng được cơ chế này nó không chỉ tăng thêm niềm tin cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phản biện, mà nó còn nâng cao nhận thức của các nhà cầm quyền về trách nhiệm của mình khi tiếp nhận ý kiến phản biện đồng thời tăng sức mạnh, tầm ảnh hưởng của phản biện xã hội trong thực tế đời sống” - ông Hậu nêu ý kiến.
TS Trương Minh Huy Vũ,- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) đề nghị, cần nhìn nhận bản chất của giám sát, phản biện là một quá trình dài và liên tục, bắt đầu từ lúc diễn ra hoạt động cần giám sát, phản biện cho tới khi hoạt động đó kết thúc, chứ không phải là một sự kiện hay sự vụ.
“Vì vậy, để đánh giá, giám sát tổng thể quá trình hoạt động của các sở, ban, ngành, thì tất cả các hình thức giám sát, phản biện trong đề án đều cần những thành phần, nhân sự xuyên suốt để triển khai và thực hiện việc giám sát theo một phương pháp mang tính khoa học, được xác định rõ và thống nhất triển khai từ các bước đầu tiên” - TS Vũ phân tích.