Chào mừng 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa, ngày 28/8, tại Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023.
Dấu ấn nửa nhiệm kỳ
Thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, toàn ngành đã đề ra phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, chỉ đạo tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân... Số liệu báo cáo cho biết, sau một thời gian triển khai, hiện cả nước có 140 mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được triển khai ở các cấp, trong đó tập trung xây dựng các mô hình: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở...
Có thể kể đến như xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Mô hình “Đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái”; Mô hình “Phát triển câu lạc bộ bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”; Mô hình bảo tồn, truyền dạy di sản bài “Bài chòi” gắn với phát triển du lịch tại Hội An; Mô hình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” gắn với du lịch tỉnh Gia Lai…
Chia sẻ về mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”, Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô cho biết, năm 2022, UBND Vĩnh Phúc phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng mô hình “Làng Văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 28/28 khu thiết chế văn hóa - thể thao thuộc các Làng văn hóa kiểu mẫu đã khởi công, xây dựng công trình thuộc 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng đã hoàn thành 14 tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (dựa trên các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nhưng ở mức độ cao hơn, toàn diện hơn).
Còn với mô hình “Phát triển Câu lạc bộ bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”, Giám đốc Sở VHTT Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh chia sẻ, để phát triển hệ thống câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm ở các địa phương, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh, đơn vị sự nghiệp nghệ thuật của Sở, cử cán bộ chuyên môn tổ chức điền dã về trực tiếp từng địa phương tiếp cận và tổ chức xây dựng các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm tại địa phương. Đặc biệt, các cán bộ văn hóa đã tìm gặp những người cao tuổi để sưu tầm, ghi âm, ghi hình lại các làn điệu, cũng như định hướng trong việc truyền dạy, tuyên truyền, quảng bá, thắp lửa tình yêu Dân ca Ví Giặm trong mỗi người dân, giúp họ nhận thức được việc giữ gìn dân ca Ví, Giặm là việc làm cần thiết, không của riêng tổ chức, đơn vị nào mà phải của toàn thể nhân dân và chính quyền các cấp.
Biến nguy thành cơ
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực, có một thực tế hiện nay ngành VHTTDL vẫn đang phải đối mặt với vô vàn những thách thức, đặc biệt trong việc nâng cao vai trò của cán bộ văn hóa.
Hiện nay, môi trường văn hóa còn nhiều biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục. Tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, một số hiện tượng mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu có dấu hiệu phục hồi. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng còn chưa thực sự quan tâm xây dựng môi trường văn hóa. Trình độ quản lý, điều hành trong thực tiễn của đội ngũ cán bộ làm văn hóa cơ sở có nơi còn nhiều bất cập, nhất là ở các cấp huyện, xã do thường xuyên thay đổi vị trí công tác làm ảnh hưởng đến hoạt động hoặc cùng lúc kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ dẫn đến trách nhiệm tham mưu của đội ngũ cán bộ chưa cao, một số nội dung chậm triển khai thực hiện. Đặc biệt, hiện nay còn nhiều lúng túng trong xử lý dẫn đến một số hiện tượng lệch chuẩn, tác động xấu tới môi trường văn hóa.
Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa, thể thao đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung của xã hội cũng như nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa… Mặc dù tỷ lệ gia đình văn hóa, làng, bản, khu phố văn hóa đạt khá cao, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề xã hội và tệ nạn diễn biến ngày càng phức tạp. Các biểu hiện thiếu văn minh, văn hoá, thiếu tự giác trong sinh hoạt và giữ gìn vệ sinh môi trường vẫn còn diễn ra.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ, chúng ta đã dần bỏ được tư duy “mạnh ai nấy làm”, để cùng nhìn về cùng một hướng, tạo thành một “dòng chảy chung” nhằm thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả của toàn ngành Văn hóa cả nước. Ông Hùng đề nghị các sở địa phương tiếp tục đồng hành cùng Bộ VHTTDL để tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện các chính sách về ngành Văn hóa. Trong đó, tham mưu trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật về lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, Luật về Di sản Văn hóa; Luật Quảng cáo…Trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển Văn hóa: “Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Văn hóa trong năm 2023. Chương trình sẽ tạo điều kiện, cơ sở cho ngành Văn hóa phát triển đúng hướng, mạnh mẽ trong những năm tiếp theo”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sáng 28/8, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đoàn đại biểu tham dự Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực VHTTDL toàn quốc năm 2023 do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng làm trưởng đoàn đã báo công dâng Bác về những thành tích nổi bật đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.