Nâng chất lượng khám chữa bệnh qua cơ chế tự chủ - Bài cuối: Để người bệnh không thiệt đơn, thiệt kép

Đức Trân 06/08/2019 06:00

Bộ Y tế đang rà soát lần cuối dự thảoThông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, dự kiến có hiệu lực trên cả nước từ 1/10/2019. Nhiều băn khoăn cũng đang được đặt ra: Giá giường dịch vụ tại các bệnh viện (BV) có thể 4 triệu đồng/ngày thì chất lượng dịch vụ có tương xứng? Việc quy định mức trần giá dịch vụ theo yêu cầu tại BV công tới đây có thực sự góp phần khắc phục tình trạng mỗi nơi một giá hay không?

Nâng chất lượng khám chữa bệnh qua cơ chế tự chủ - Bài cuối: Để người bệnh không thiệt đơn, thiệt kép

Tự chủ bệnh viện hướng tới sự hài lòng của người bệnh Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Giá giường dịch vụ có thể đắt hơn khách sạn

Dự thảo Thông tư nói trên quy định giá dịch vụ khám bệnh ở BV hạng đặc biệt và hạng 1 tối đa 500.000 đồng/lần khám và các cơ sở y tế khác là 400.000 đồng/lần khám. Riêng trường hợp mời các chuyên gia trong nước, ngoài nước, cơ sở y tế được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ. Về mức trần của phòng điều trị theo yêu cầu tại các BV, Bộ Y tế quy định theo 3 mức, tùy địa phương. Đối với BV hạng đặc biệt và hạng 1, giá phòng bệnh loại 1 là 4 triệu đồng/giường/ngày. Với các phòng bệnh loại 2 - 3 - 4 lần lượt là 2,5 triệu, 1,5 triệu và 1,3 đồng/giường/ngày. Tại các cơ sở y tế khác ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, phòng bệnh loại 1 được thu tối đa 3 triệu đồng và phòng bệnh loại 4 là 900.000 đồng/người/ngày. Với cơ sở y tế tại các tỉnh - thành còn lại, mức giá phòng bệnh loại 1 là 2 triệu đồng và loại 4 là 600.000 đồng/người/ngày.

Dự thảo thông tư cũng quy định diện tích phòng dịch vụ loại đặc biệt phải rộng từ 12 m2 trở lên và phòng có 4 giường phải rộng ít nhất 28 m2. Trong phòng dịch vụ phải có giường bệnh cấp cứu, tủ đầu giường, bàn đỡ trên giường bệnh, máy thở, bình ôxy, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa, bình đun nước uống, ấm chén, điện thoại - internet, quạt điện… Đặc biệt, phải bảo đảm 1 bác sĩ/4 giường bệnh và 1 điều dưỡng/giường bệnh phục vụ bệnh nhân 24/24 giờ.

Theo Bộ Y tế, việc quy định mức trần giá dịch vụ theo yêu cầu tại BV công tới đây sẽ góp phần khắc phục tình trạng mỗi nơi một giá. Bởi giá dịch vụ theo yêu cầu hiện nay do các BV tự đặt ra, dao động từ 100.000 đồng đến khoảng 800.000 đồng/lượt khám. Giá dịch vụ mổ sớm cũng dao động từ 3 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng. Thậm chí có nơi giá giường dịch vụ tới 400.000 - 500.000 đồng/người nhưng vẫn phải ghép 4 đến 5 người/giường trong phòng chật chội.

Ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, việc triển khai dịch vụ theo yêu cầu sẽ khuyến khích các cơ sở y tế đa dạng hóa loại hình, tạo sự cạnh tranh để nâng cao hơn chất lượng phục vụ người bệnh.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nhiều BV đã mở rộng các dịch vụ theo yêu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh có khả năng chi trả. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại ở nhiều BV tuyến trung ương là BV không đủ phòng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu của người bệnh. Đơn cử như tại BV Bạch Mai (cơ sở 1) mới chỉ đáp ứng được khoảng 10%-20% nhu cầu thực tế. Hơn thế, vào những lúc cao điểm như mùa hè, nhiều BV tuyến trung ương cũng luôn “cháy” phòng bệnh dịch vụ.

Cần cơ chế rõ ràng

Trước thông tin trên, nhiều người dân cho rằng mức giá giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu lên tới 4 triệu đồng/ngày là quá cao, đắt hơn cả khách sạn. Không ít băn khoăn được đặt ra: Nếu giá giường bệnh 4 triệu đồng/ngày thì công viên chức loại nào đủ tiền để thanh toán trong 5 ngày giường bệnh? Vấn đề ở chỗ phải có nhiều loại giường khác nhau với số lượng đảm bảo để phục vụ cho các đối tượng khác nhau. Bởi trong bối cảnh BV quá tải như hiện nay, lỡ phải nhập viện mà nói hết giường rồi, chỉ còn giường 4 triệu thôi, thì người bệnh nghèo cũng “bó tay”…

TS.BS Trần Tuấn-Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng: Giá giường bệnh tối đa 2 triệu đồng đã là cao, nay lại dự kiến 4 triệu đồng/ngày thì cao quá. Không thể so với bệnh viện ở những nước phát triển được vì giá giường bệnh của họ bao gồm cả chi phí nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân, người nhà không cần chăm sóc. Do đó quy trình chất lượng, Bộ Y tế đưa ra là đúng nhưng về giá dịch vụ y tế, Bộ cần để một Hội đồng độc lập đưa ra, vì nếu Bộ Y tế quy định thì sẽ không minh bạch, không khách quan và có thể dẫn đến tăng bẫy nghèo do dịch vụ y tế gây ra và giảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.
Sau nhiều năm xây dựng, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được quy định về tiêu chuẩn và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện công lập. Trong khi đó, thực tế thời gian qua cho thấy, dịch vụ theo yêu cầu, mỗi nơi một giá, thậm chí tại 1 số BV như Da liễu trung ương, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu còn có 2 mức: trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính. Với 2 mức này, có dịch vụ, giá chênh lệch nhau hàng triệu đồng.

TS Lê Đình Thăng- Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III cho biết, kết quả kiểm toán của kiểm toán nhà nước những năm gần đây cho thấy, tại nhiều BV còn tình trạng trang thiết bị mua về không được sử dụng, hoặc chưa bố trí được cơ sở hạ tầng đồng bộ để lắp đặt có thể dẫn đến hỏng hóc, giảm thời gian khấu hao của máy móc, trang thiết bị gây lãng phí nguồn tài chính công. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề án liên doanh, liên kết với các tổ chức khu vực tư, dưới áp lực về doanh thu có thể dẫn đến tình trạng chỉ định dùng máy liên doanh liên kết, trong khi máy móc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước còn sử dụng tốt, đảm bảo chất lượng cho công tác khám chữa bệnh, gây lãng phí tài sản nhà nước.

Đại diện của Bộ Y tế cũng cho rằng, hiện nay chưa có cơ chế rõ ràng về việc BV tự chủ thì được quyền hạn như thế nào. Khi viện phí chưa tính đủ chi phí, phải phân biệt rõ các hoạt động, dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ và dịch vụ y tế được coi là “dịch vụ có thu trong bệnh viện”.

Chính sách phải đi kịp với thực tế, dù có tự chủ hay không, đó là điều mà cả BV và người bệnh cùng đòi hỏi. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng nghị định 16/2015 của Chính phủ được ban hành đã quá lâu nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn còn “nợ” hướng dẫn tự chủ tài chính riêng cho ngành y tế. Từ đó để xảy ra tình trạng BV (và các nhà đầu tư thiết bị) cứ “chạy” trước, các chính sách quản lý đi sau. Đây cũng chính là lý do khiến người bệnh đang chịu thiệt đơn thiệt kép, phải “gánh” những thiệt thòi về chi phí khám chữa bệnh lâu nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng chất lượng khám chữa bệnh qua cơ chế tự chủ - Bài cuối: Để người bệnh không thiệt đơn, thiệt kép