Gần 5.700 tỷ đồng là con số mà hơn 22.200 doanh nghiệp nợ đọng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong vòng 1 năm. Và đối tượng chịu thiệt thòi trực tiếp - không ai khác chính là những người lao động. Nâng mức phạt tù lên tới 7 năm, tăng tiền phạt tới 1 tỷ đồng từ ngày 1/7 tới đây có giải quyết được triệt để vấn nạn này?
Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho người lao động lâu nay vẫn là câu chuyện cũ nhưng chưa cải thiện bao nhiêu qua từng năm. Đặc biệt, hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, thoái thác trách nhiệm đóng bảo hiểm cho người lao động đang trở thành vấn đề làm đau đầu ngành BHXH.
Bài 1: Điêu đứng vì doanh nghiệp bỏ trốn
Không chốt được sổ vì DN bỏ trốn
Theo cơ quan BHXH Việt Nam, số DN nợ đọng BHXH đã giảm mạnh so với các năm trước. Tuy nhiên, vấn đề nợ đọng BHXH vẫn còn là vấn đề nhức nhối. Tính từ đầu năm đến hết quý 1/2016, tổng số nợ BHXH đã lên đến 9,9 tỷ đồng. Đáng chú ý theo thống kê của BHXH Việt Nam tình trạng 160 chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam, không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho khoảng 4.000 lao động đã diễn ra hơn 6 năm nay.
Đây là vấn đề đang khiến ngành chức năng hết sức đau đầu bởi doanh nghiệp bỏ trốn không còn lưu giữ giấy tờ. Bên cạnh đó, thiếu chế tài để xử lý cũng là nguyên nhân khiến ngành chức năng bất lực khi đứng ra đòi quyền lợi cho người lao động.
Điển hình như vụ việc ở Công ty TNHH J-Tex Vina địa chỉ tại 63C Lò Lu (phường Trường Thạnh, quận 9, TP HCM). Mặc dù hàng tháng Công ty vẫn trích các khoản BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ tiền lương của công nhân nhưng Công ty không đóng cho cơ quan BHXH. Không những thế, các chính sách thai sản của công nhân cũng không được giải quyết.
Ngay sau khi phát hiện việc Công ty trốn đóng BHXH, cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc tiến hành khởi kiện Công ty TNHH J-Tex Vina. Tuy nhiên, do việc thi hành án gặp rất nhiều khó khăn vì phía Công ty không hợp tác. Tháng 3/2016, cơ quan BHXH tiếp tục khởi kiện lần 2 đối với Công ty này. Tại thời điểm khởi kiện, tổng số tiền nợ của Công ty hơn 7,7 tỷ đồng. Mặc dù vậy theo phản ánh của nhiều công nhân rất khó đòi được tiền BHXH, bởi đại diện Công ty là ông Min Jung Ki (quốc tịch Hàn Quốc) đã cao chạy xa bay.
“Chế độ thai sản của em đúng ra phải hưởng lâu rồi, nhưng em sinh con đã 7-8 tháng rồi mà em chưa nhận được đồng lương nào hết từ bảo hiểm. Em giờ chỉ muốn giải quyết sao cho công nhân bọn em lấy được sổ bảo hiểm. Còn tiền thai sản của em nữa, em cũng phải lấy để nuôi con em”- Chị Lê Thị Đẹp, công nhân may Công ty J-Tex Vina bức xúc nói.
Bất lực vì thiếu chế tài mạnh
Trước vấn đề đòi quyền lợi cho người lao động đối với trường hợp doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn, trao đổi với phóng viên ông Trần Đình Liệu (Trưởng ban thu – BHXH Việt Nam) thẳng thắn cho biết, việc này đã vượt ngoài tầm kiểm soát của BHXH Việt Nam. “Doanh nghiệp chỉ đi thuê nhà xưởng, hợp đồng lao động và sổ BHXH doanh nghiệp giữ. Khi họ không đóng sau 1 tháng, cơ quan BHXH tới kiểm tra thì không còn gì. Chúng tôi không nắm được việc chủ doanh nghiệp bao giờ ra vào Việt Nam”.
Cũng theo ông Liệu, đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay và BHXH Việt Nam đã nhiều lần báo cáo lên Chính phủ để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, tìm ra một cơ chế để giải quyết dứt điểm rất khó. Đặc biệt là việc xác định thời gian và số tiền đã đóng của người lao động tại doanh nghiệp để qua đó chốt sổ BHXH. Bởi doanh nghiệp bỏ trốn không còn lưu giữ giấy tờ gì.
Nói đến vấn đề thu nợ đòi quyền lợi cho người lao động, ông Trần Đình Liệu trải lòng: Việc thu nợ không chỉ khó đối với những doanh nghiệp bỏ trốn, mà ngay cả những doanh nghiệp vẫn đang hoạt động cũng hết sức khó khăn.
“Trong khởi kiện, những đơn vị nào làm ăn tốt, khi chúng tôi gửi đơn khởi kiện thì họ chấp hành ngay. Có 20-30% DN chấp hành tốt, còn lại 30-40%, tòa phải thụ lý. Còn lại 30% DN rất khó khăn như doanh nghiệp phá sản, giải thể, chờ giải thể. Chúng tôi cũng khởi kiện ra tòa, nhưng xử xong không đòi lại được gì. Hơn nữa trong thi hành án thì ưu tiên các khoản vay ngân hàng, trả lương mà không nói gì đến trả BHXH.” - ông Liệu cho biết.