Những ngày qua, các cơ quan tố tụng đã tiến hành xét xử các vụ án gian lận điểm thi trung học phổ thông tại Hà Giang và Sơn La. Theo dõi các phiên tòa đang diễn ra, người ta càng ngạc nhiên, băn khoăn, lo lắng về đạo đức, nhân cách con người, từ các bị cáo cho đến những người liên quan. Dư luận đồng tình với việc cần xử lý nghiêm minh để giữ gìn sự trong sáng của nền giáo dục cũng là vì tương lai đất nước.
Một số bị cao tại phiên xét xử vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang.
Trước hết, ai cũng biết, cũng thấy, các đối tượng trong các vụ việc nêu trên đều là các cán bộ, công chức, những người đều đã được đào tạo qua các mái trường, cơ sở giáo dục của Đảng, Nhà nước. Nhiều đối tượng là các cán bộ cốt cán, của ngành giáo dục ở địa phương. Chính ra, với họ, cần phải xác định rõ phương châm, nguyên tắc, trách nhiệm giữ gìn giá trị cốt lõi của việc giáo dục cho con người, cho thế hệ tương lai mà cụ thể, trực tiếp chính là các con, cháu họ. Vậy nhưng…
Khỏi phải bàn đến hệ lụy, hậu quả của việc nâng điểm cho thí sinh. Nếu như vụ việc trót lọt thì 107 thí sinh riêng của Hà Giang kia, chính là nạn nhân của vụ việc sẽ đi đến đâu, sau này sẽ giữ những chức vụ gì? Và những việc làm sau này của họ cho xã hội sẽ ra sao? Người ta rất lấy làm đau lòng thay khi các đối tượng phạm tội lại là những cán bộ có chức quyền, chịu trọng trách trong công tác giáo dục. Trong 5 bị cáo đưa ra xét xử ở Hà Giang có 2 nguyên là Phó Giám đốc sở, còn lại cũng là Phó, Trưởng phòng. Một vụ án có đến 187 người bị triệu tập, trong đó có đến 151 người là cán bộ, đảng viên, đã có 46 người đã bị xử lý kỷ luật, nhiều người khác đang tiếp tục bị xem xét xử lý.
Không chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính, hành vi của nhiều cá nhân trong vụ việc đã phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Như 5 bị cáo ở Hà Giang và các bị cáo ở Sơn La đã bị truy cứu về các tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Người xác định khởi xướng trong vụ việc ở Hà Giang sẽ phải chịu mức án tù nghiêm khắc. Những đồng phạm cũng sẽ phải chịu án. Đồng thời từ diễn biến tại Toà, từ vụ án, vụ việc ở Sơn La tiếp tục phải điều tra, những người liên quan cũng sẽ phải tiếp tục bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như cơ quan pháp luật đã phân tích về hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng: Hành vi phạm tội của các cán bộ đã triệt tiêu hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Việc gian lận trong thi cử làm mất sự công bằng xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng ngành giáo dục, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có chức vụ và quyền hạn và công tác nhiều năm, am hiểu rõ quy định, quy chế của ngành đã đề ra, đáng lẽ, các bị cáo phải gương mẫu…
Rõ ràng người ta hiểu rõ, nắm rõ quy định, biết rõ hậu quả, nhưng vẫn cố tình làm. Không thể chấp nhận với các biện bạch, nào rằng chỉ nhờ “xem điểm”, hay nâng điểm để… “làm phúc”. Dư luận đã rất ngỡ ngàng trước chính những lời khai tại Toà ở Sơn La, khi người ta chỉ nhờ “xem điểm” mà phải cảm ơn đến hơn 300 triệu đồng, thậm chí đã đưa trước cho người xem điểm hộ hàng tỉ đồng. Những hành vi đã thể hiện việc “đưa và nhận hối lộ”. Dư luận đồng tình việc VKSND tỉnh Sơn La đã đề nghị và HĐXX phiên toà đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trong việc gian lận điểm thi, thực tế các đối tượng đã không chỉ vi phạm đạo đức con người, đạo đức công vụ, vi phạm hành chính, mà còn vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng. Không chỉ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, mà còn “môi giới hối lộ”, “đưa và nhận hối lộ”.v.v. Những hành vi có thể có tổ chức, có nhiều đồng phạm, sẽ phải bị chịu những hình phạt nghiêm khắc.
Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, Toà đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung việc đưa và nhận hối lộ, môi giới hối lộ. Còn ở phiên toà tại Hà Giang, người ta vẫn băn khoăn lẽ nào các bị cáo chỉ hồn nhiên thực hiện các hành vi vi phạm, vi phạm nghiêm trọng chỉ để…làm phúc? Hầu hết người liên quan thì rằng do quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, chỉ “nhờ xem điểm”, phủ nhận liên quan tiền hoặc vật chất. Nếu như người ta đã hiểu rõ việc khai nhận hành vi liên quan đến tiền, vật chất sẽ liên quan đến hành vi môi giới hối lộ, đưa nhận hối lộ để rồi cùng nhau ỉm đi, một sự cố tình ỉm đi có tổ chức thì mức độ nghiêm trọng còn đi xa hơn.
Dù sao, người ta hy vọng, tin vào cái sự “hồn nhiên”, không vụ lợi, chỉ vì ngây thơ, thiếu hiểu biết, để hy vọng, tin vào sự trong sáng, cái nền giáo dục ở những địa phương như Hà Giang. Và những hành vi vi phạm nếu có xảy ra như việc môi giới hối lộ, đưa và nhận hối lộ... ở Sơn La cũng chỉ xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, hay sự “hồn nhiên”, không phải là hành vi cố tình...
Và trong các vụ gian lận điểm thi nói trên, với các mức án khá nghiêm khắc cho kẻ chủ mưu, cho nhiều người nguyên là các cán bộ lãnh đạo trong ngành giáo dục ở địa phương, cùng nhiều mức kỷ luật khác nhau với người liên quan đã là bài học sâu sắc cho Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình và các địa phương trong cả nước nói chung. Vi phạm pháp luật, nhất là vi phạm pháp luật trong ngành giáo dục, phá hoại tương lai của chính mình, của tương lai quê hương, đất nước cần đặc biệt lên án và phải sớm ngăn chặn.