Sáng 14/9 tại, Hội thảo Góp ý đề xuất sửa đổi một số điều của 5 Luật Thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) cho rằng: Tính bất ổn, thiếu thống nhất, khi xây dựng các Luật Thuế đang khiến cho DN, người dân thêm nặng gánh, đối mặt với nhiều rủi ro về thuế khi đầu tư dài hạn…
DN đang phải gánh chịu cả một rừng phí.
Tác động về sửa đổi
Chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 2008 đến 2014, chúng ta đã khá nhiều lần phải sửa Luật Thuế. Không những thế, nhiều nội dung trong Luật lúc được thực thi, lúc bãi miễn đã tạo ra sự vô cùng bất ổn. Chính điều này đã khiến cho cộng đồng DN hoạt động luôn trong tình trạng nơm nớp, khó có thể nâng cao sức cạnh tranh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trong Dự án sửa đổi 5 Luật Thuế, nhiều loại thuế vẫn chưa được đưa vào, ví dụ như thuế xuất nhập khẩu.
“Lần này sửa 5 Luật, liệu vài năm nữa có sửa thêm 5 luật thuế khác nữa không và liệu hai lần sửa có đảm bảo thống nhất không?”- bà Lan đặt câu hỏi.
Cũng theo vị chuyên gia này, đấy mới chỉ riêng về lĩnh vực thuế. Còn phí thì nhiều vô cùng, DN đang phải gánh chịu cả một rừng phí.
Cơ quan nắm tài chính của Nhà nước thì phải tính đến những khía cạnh đó chứ không phải tách riêng ra từng phần chỉ để phục vụ mục tiêu của mình. Cuối cùng tất cả gánh nặng đặt lên vai người dân, DN.
Cùng quan điểm, chuyên gia về thuế hải quan Đặng Thị Bình An cho hay, tính thống nhất giữa các cơ quan cũng như trong chính Bộ Tài chính khi xem xét các Luật Thuế vẫn rất hạn chế.
Năm 2008 đến 2013, chúng ta sửa một lần, 2014 lại sửa lần nữa. Và rất nhiều nội dung lúc đưa ra, lúc đưa vào, không mang tính ổn định. Bà An lấy ví dụ về thuế VAT như các quy định thuế phân bón, lúc đưa ra đưa vào, không thống nhất. Điều này gây khó cho DN, vì thế DN ngại khi đầu tư dài hạn. Ngoài ra, bà An cũng cho rằng, cần cân đối thống nhất với các luật khác.
"Sửa 5 Luật nhưng có những nội dung liên quan đến các luật khác không đưa vào đây. Ví dụ sửa thuế xuất nhập khẩu, Luật Thuế xuất nhập khẩu cũng có những câu tương tự như thế”- bà An nhấn mạnh.
Một vấn đề quan trọng nữa khi sửa đổi 5 Luật thuế được giới chuyên gia và DN nhấn mạnh là cần có báo cáo đánh giá tác động với từng nhóm đối tượng cụ thể, với nền kinh tế.
Theo bà Phạm Chi Lan, đến nay kết quả của bản đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi 5 Luật thuế vẫn chưa được công bố.
“Đến nay vẫn chưa biết kết quả tăng thu ngân sách bao nhiêu, việc tăng thu có bền vững không hay cứ liên tục điều chỉnh” - chuyên gia này đặt câu hỏi.
Cần có đánh giá khách quan
Tuy nhiên, bà Lan cũng bày tỏ việc không tin tưởng vào bản đánh giá tác động của Bộ Tài chính nếu được công bố. “Tôi không chờ đợi bản đánh giá tác động do chính cơ quan soạn thảo chính sách vì sẽ không khách quan, mà phải có một đánh giá khách quan của một cơ quan độc lập”.
Ngoài ra, bà Lan cũng cho rằng Bộ Tài chính đưa ra những căn cứ để sửa đổi 5 Luật thuế là chưa đủ thuyết phục. Thứ nhất là Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị đề cấp tất cả các vấn đề về ngân sách chứ không chỉ nguồn thu.
Bà Lan cho rằng bội chi ngân sách cao là chi tiêu không hiệu quả, không sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước nắm trong tay… chứ không phải do thu ít.
“Đó mới là khía cạnh quan trọng, sẽ được đưa ra ở kênh nào, vì hiện nay tái cơ cấu đầu tư công chưa hiệu quả. Nếu chỉ giải đáp ở khía cạnh thu thì không đủ” – bà Lan nhấn mạnh.
Một căn cứ nữa được Bộ Tài chính đưa ra cũng khiến chuyên gia này băn khoăn, đó là Chiến lược thuế 2011 - 2020. “Tôi không tin ở những chiến lược đề ra rất lâu rồi mà ta vẫn bám vào nó, lại chỉ bám vào những thứ phù hợp với cái ta định làm. Phải xem tính hợp lý chiến lược có còn hay không”. - bà Lan nói.