Năng lượng tái tạo thay thế dần nhiệt điện than

Tuấn Quang 24/08/2017 16:49

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù nhiệt điện than có thể đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng, nhưng nó khiến Việt Nam gặp phải các rủi ro nghiêm trọng về thị trường, an ninh năng lượng và môi trường.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ngày 24/8, tại Cần Thơ, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) tổ chức chương trình “Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2017”.

Chương trình lần này diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/8 với những nội dung như: Triển vọng phát triển năng lượng bền vững cho Việt Nam; Tọa đàm về lựa chọn nào cho phát triển năng lượng bền vững ĐBSCL; Hội thảo về phát triển năng lượng ở Việt Nam… Đặc biệt là bàn các giải pháp năng lượng bền vững địa phương hướng tới hoàn thành mục tiêu Điện khí hóa nông thôn của Việt Nam.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường đại học Cần Thơ cho biết, từ khi nhân loại chuyển sang thời kỳ phát triển công nghiệp hóa (1850 - đến nay), bầu khí quyển quanh trái đất đã gia tăng nhanh chóng hàm lượng các chất khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2 , CH4 , N2O, CFCs,… dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Việt Nam là quốc gia có cường độ năng lượng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việc sử dụng năng lượng tại Việt Nam tăng nhanh hơn các nước trong khu vực, với mức tiêu thụ nhiều nhất trong lĩnh vực điện, (cụ thể từ năm 2000 đến 2010, nhu cầu điện năng của VN tăng khoảng 14 % mỗi năm).

Theo Quy hoạch Điện VII Điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ có 14 nhiệt điện than hoạt động ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ở đó, ô nhiễm khói bụi là mỗi lo ngại rõ ràng nhất của các nhà máy này; đó là chưa kể tro xỉ than là nguồn ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng cho đất, nước và không khí, kéo theo những hệ lụy về sinh thái và sức khỏe cộng đồng…

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù nhiệt điện than có thể đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng, nhưng nó khiến Việt Nam gặp phải các rủi ro nghiêm trọng về thị trường, an ninh năng lượng và môi trường. Việt Nam sử dụng than nhập khẩu là chủ yếu nhưng giá của nó đang tăng cao và có biến động lớn, khiến Việt Nam phụ thuộc vào giá trên thị trường...

Trước viễn cảnh trên, năng lượng tái tạo được xem là lựa chọn hàng đầu và có ít rủi ro hơn. Chính phủ cũng đã ban hành một số chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhà kính, hướng tới một nền tăng trưởng xanh…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năng lượng tái tạo thay thế dần nhiệt điện than