Tại Hà Nội, tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ người dân, đặc biệt trẻ em và người cao tuổi.
Nắng nóng, bệnh nhân khám bệnh gia tăng.
Ths Bs Phạm Văn Hưng, Khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây lượng bệnh nhân nhi đến thăm khám tăng hơn, chủ yếu là các bệnh lý về đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi họng, viêm tai giữa và rải rác một vài ca sốt xuất huyết.
Ghi nhận tại BV Hữu Nghị, chỉ trong vòng 1 tuần, nơi này đã tiếp nhận gần 40 bệnh nhân vào viện để điều trị với các bệnh lý như tiền đình, đột quỵ não, viêm phổi, chóng mặt, đau đầu. Cùng với đó, nhiều bệnh nhân là người cao tuổi có các bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, suy tim, suy thận,… cũng đã phải nhập viện để điều trị.
BS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cảnh báo, nỗi lo không hề nhỏ trong những ngày nắng nóng là đột quỵ. “Số lượng bệnh nhân tăng lên vì nắng nóng là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đột quỵ. Khi thời tiết nóng bức sẽ gây căng thẳng, khó chịu, người bệnh quên uống thuốc, ngại đi khám... Nhiều bệnh nhân không kiểm soát các yếu tố nguy cơ này càng làm tăng khả năng bị đột quỵ. Trong những ngày nắng nóng, những người có sẵn nguy cơ đột quỵ, thì cá nhân và gia đình phải giúp bệnh nhân kiểm soát các yếu tố này để phòng tránh”, BS Nguyễn Văn Chi cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng cao nhất. Có một vài lý do là khả năng điều hòa thân nhiệt của trẻ kém, trẻ không tự điều hòa được thân nhiệt để thích ứng với môi trường xung quanh, ví dụ ra khỏi phòng khi trời nóng trẻ thường có tốc độ chuyển hóa trong cơ thể cao, có nghĩa là cơ thể chúng thường tỏa ra sức nóng, nhưng lại không tiết đủ mồ hôi… để bảo vệ trẻ. Người lớn cần cho trẻ uống đủ nước, trái cây, luôn để trẻ ở những nơi thoáng mát, không nên để trẻ ngồi một mình trên xe, một mình ở nhà hoặc gần cửa sổ đang mở.
Người béo phì, người cao tuổi, người bị bệnh nằm liệt một chỗ và người bị đái tháo đường đều nhạy cảm với sức nóng, những người bị xơ cứng mạch máu sẽ trở nên nguy nan hơn khi trời nóng. Khi nhiệt độ cơ thể tăng thì hệ thần kinh trung ương phải làm việc vất vả hơn để điều tiết.
Bên cạnh việc ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân, nắng nóng cũng gây ra khó khăn không nhỏ cho bệnh nhân và người thân khi tới thăm, khám tại các bệnh viện. Đơn cử, tại BV K, BS Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng BV K cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp đón khoảng hơn 2.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, nhiều người đã đến xếp hàng chờ từ sáng sớm.
Để giảm bớt thời gian chờ đợi, giúp người dân giảm được phần nào nguy cơ sức khoẻ trong thời tiết khắc nghiệt cũng như nguy cơ tâm lý khi tới bệnh viện thăm khám, không ít các bệnh viện đã áp dụng những giải pháp kịp thời như việc bật điều hoà 24/24 tại khu vực điều trị, cung cấp nước uống miễn phí hay tăng cường thêm ghế ngồi, quạt mát tại khu vực phòng khám, sảnh chờ.
Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng, Bệnh viện K đã triển khai đón tiếp từ 5h sáng tại cơ sở Tân Triều, 6h sáng tại cơ sở Phan Chu Trinh, Tam Hiệp và khám bệnh từ 6h sáng mỗi ngày. Ngay tại khu vực sảnh tiếp đón, bệnh viện cũng triển khai các máy bấm số tự động để thuận tiện cho người bệnh khi đăng ký khám.
Tại khoa Khám bệnh Tân Triều trước đây có 12 cửa tiếp đón, đăng ký khám, nhập viện thì nay đã bổ sung lên 18 cửa, khu vực lấy máu cũng bổ sung thêm 5 cửa, cùng với số lượng các bàn khám cũng được triển khai nhiều hơn, cùng với đó việc bố trí thêm nhân lực hướng dẫn người bệnh đã giúp giảm áp lực tại khu vực phòng khám, khu vực lấy máu, chụp XQ, khu vực xét nghiệm.