Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mới chỉ được một ngày hơi dịu thì kể từ ngày 23/7, nắng nóng lại quay lại Bắc Trung bộ, đặc biệt gay gắt từ Thanh Hóa tới Hà Tĩnh. Nền nhiệt phổ biến từ 35 đến 37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Nắng nóng gay gắt có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh, dễ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao cùng đó là nguy cơ cao cháy rừng.
Những ngày này, khuyến cáo được ngành y tế đưa ra là đối với người già, trẻ em, người có bệnh nền cần hạn chế ra ngoài trời vào buổi trưa các ngày có nắng nóng gay gắt, do chỉ số tia UV có giá trị từ 7-9 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Cùng đó, nắng nóng gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Hơn 70 ngày không mưa
Tại Hội nghị tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống thiên tai tại khu vực Bắc Trung bộ (ngày 22/7), ông Hoàng Nghĩa Hiếu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đợt hạn hán đang xảy ra ở Nghệ An là đợt hạn kỷ lục, nặng nhất trong gần 50 năm qua. Hơn 70 ngày không có mưa khiến Nghệ An thiếu nước.
Như vậy, suốt từ tháng 5 đến nay toàn khu vực Bắc Trung Bộ hầu như không có mưa. Thiếu nước tưới trầm trọng đã ảnh hưởng đến 350.000 ha lúa hè thu - mùa, hơn 9.000 ha đang ở chế độ chờ, gần 6.000 ha phải chuyển sang cây màu, 26.000 ha cây trồng chính thức bị hạn, trong đó 1 nửa có nguy cơ mất trắng.
Với tỉnh Nghệ An, các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê đã tiến hành điều tiết liên hồ chứa để cấp nước cho hạ du, đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh. Các trạm bơm nhỏ, dã chiến được gấp gáp vận hành. Nói như vị Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An, thì tỉnh này đã phải đưa ra tới 13 giải pháp cụ thể để chống thiên tai.
Tuy nhiên, với đợt nắng nóng mới khó khăn sẽ chồng lên khó khăn. Nắng nóng gay gắt, thiếu nước sẽ tiếp tục làm cuộc sống người dân đảo lộn.
Nhà trọ nóng như “lò bát quái”
Theo ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài đến ngày 30/7, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 – 37 độ C; độ ẩm thấp nhất 55 - 65%. Hạn hán, thiếu nước diện rộng, nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nguy cơ cao cháy rừng ở trung du và miền núi.
Ngay tại thành phố Hà Tĩnh, nơi được cho là “mát hơn” so với những nơi khác người dân cũng rất vất vả chống chọi lại với nắng nóng.
Tại một nhà trọ trên đường Lê Hồng Phong (thành phố Hà Tĩnh), chị Trang- một người thuê trọ cho biết, trong nhà nóng hầm hập như “lò bát quái”. Buổi tối, chị Trang phải mua đá lạnh về bỏ vào quạt để dễ ngủ hơn. Thay vì ngủ trên giường thì ngủ luôn dưới nền nhà.
Dãy trọ thấp, lại lợp bằng tấm fibro xi-măng, phòng thì kín mít, cửa sổ nhỏ, hành lang phía trước chỉ rộng 1,2m, trước mặt phòng lại là tường cao nên rất ngột ngạt. Buổi trưa vào phòng như vào lò lửa. Nhiều người thuê nhà đành chọn giải pháp cứ tối đến là ra ngoài uống nước, đêm muộn mới về ngủ.
Một người thuê nhà trọ khác là nhân viên văn phòng (chị Phượng) cho biết, nơi chị thuê trọ trong ngõ 25, đường Trần Phú cực kỳ nóng, đành phải bỏ tiền ra lắp điều hòa, nhưng cứ nghĩ đến lúc trả tiền điện lại phát sốt, mỗi đêm cũng chỉ dám bật điều hòa 2 giờ là cùng. “Chỗ tôi thuê, tiền điện 3.000 đồng/kWh, mỗi tháng 2 người ở, chỉ có tủ lạnh, quạt, nồi cơm điện và điều hòa bật 2 tiếng buổi tối nhưng tiền điện gần 1 triệu đồng/tháng, cao hơn cả tiền nhà và cao hơn cả tiền điện của cả gia đình 5 người sử dụng ở quê”, chị Phượng chia sẻ.
Còn vợ chồng chị Nhung (quê Nghi Xuân) là lao động tự do, cả 2 vợ chồng và 2 con nhỏ cùng sống trong căn phòng trọ chừng 25 m2. Chị Nhung cho biết, mỗi tháng, tiền điện, nước phải trả hơn 1 triệu đồng. Thương các con nhiều đêm không ngủ được vì nóng quá, “tôi phải lấy chậu nước để trước quạt cho dịu bớt hơi nóng nhưng cũng chẳng ăn thua”.
Hà Giang: Khắc phục thiên tai sau mưa lũ
Thông tin tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, lãnh đạo tỉnh Hà Giang, cho biết: Trong đêm 19/7 đến rạng sáng ngày 21/7 trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa to đến rất to, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Bắc Mê và thành phố Hà Giang. Đến chiều 22/7 trên địa bàn toàn tỉnh đã có 5 người chết và 2 người bị thương. Có 2 nhà bị vùi lấp và cuốn trôi; 64 nhà bị sạt đổ; 2.800 nhà dân bị ngập úng... Hiện tỉnh đang dốc toàn lực khắc phục thiệt hại, nỗ lực nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân.