Ngày 29/5, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, chỉ số nhiệt (HI-Heat Index) cực đại tại Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hà Tĩnh, thành phố Đà Nẵng và thành phố Quy Nhơn (Bình Định) ở mức 41-54 (mức nguy hiểm). Với mức nhiệt này có thể bị say nắng, kiệt sức vì nóng, thậm chí có thể bị sốc nhiệt.
Đây là đợt nắng nóng kéo dài, bao trùm cả nước. Với các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ thì đợt nắng nóng này có nền nhiệt cao nhất kể từ cuối tháng 4 đến nay. Dự báo, nắng nóng sẽ còn tiếp tục cho đến giữa tuần tới.
Trong 2 ngày 30/5 và 1/6, chỉ số tia UV cực đại tại các thành phố đều đạt ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao; riêng Thủ đô Hà Nội, thành phố Cần Thơ (ngày 30/5) và thành phố Hải Phòng (ngày 1/6) chỉ số tia UV cực đại ở mức nguy cơ gây hại cao.
Theo cơ quan khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn, nên Bắc bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Trong đợt nắng nóng này, độ ẩm phổ biến 45-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12 giờ đến 17 giờ.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung bộ.
Với Thủ đô Hà Nội, trong vòng 5 ngày tới, nắng nóng gay gắt, cho dù chiều tối và đêm một số nơi có mưa rào và dông. Nhiệt độ thấp nhất 29 độ C, cao nhất 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Riêng thứ Năm, ngày 3/6, nhiệt độ có thể lên tới 39 độ C, nắng nóng gay gắt.
Nền nhiệt này cũng phổ biến cho khu vực Đông Bắc bộ cùng khoảng thời gian trên.
Khu vực Trung bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế từ 30/5 đến 4/6 cũng là chuỗi ngày nắng nóng, có khinóng gay gắt. Nhiệt độ thấp nhất từ 26 độ C đến 29 độ C, cao nhất từ 35 độ C đến 38 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiệt độ giảm dần từ phía Bắc vào phía Nam. Cụ thể, phía Bắc (từ Đà Nẵng đến Phú Yên), nhiệt độ thấp nhất 25 độ C đến 28 độ C, cao nhất từ 35 độ C đến38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Trong khi đó, phía Nam, từ Khánh Hòa tới Bình Thuận, nhiệt độ cao nhất 34 độ C.
Khu vực Tây Nguyên nhiệt độ thấp nhất 21 độ C đến 24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30 độ C đến 33 độ C.
Khu vực Nam bộ, nhiệt độ thấp nhất 24 độ C đến 27 độ C, cao nhất 32 độ C đến 35 độ C.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), năm nay Việt Nam chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina (La Nina hay còn gọi là Hài Đồng nữ, là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nó đi qua lạnh đi dị thường), nên xu hướng nhiệt trong các tháng chính hè (từ tháng 5 đến tháng 8) ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, không gay gắt như năm 2020.
Năm nay, tình trạng xâm nhập mặn đối với đồng bằng sông Cửu Long cũng không gay gắt, do mùa hè khu vực này có nhiều trận mưa dông.
Tuy nhiên, với miền Trung - Tây Nguyên, cho đến tháng 6, dòng chảy phần lớn trên các sông có thể thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, từ 20-50%, một số sông thấp hơn 60%. Dẫn đến tình trạng khô hạn cục bộ xảy ra gay gắt hơn tại những nơi ở xa vùng cấp nước của công trình thủy lợi.