Nắng nóng kéo dài là nỗi lo ngại lớn đối với nhiều người. Nhiệt độ và độ ẩm không khí tăng cao bất thường kéo theo nguy cơ trẻ bị suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng. Hoạt động ở ngoài trời nhiều, ở lâu dưới ánh nắng gay gắt, không uống đủ nước và mặc quần áo không thích hợp có thể khiến trẻ mắc các bệnh do nắng nóng. Sốc nhiệt (còn gọi là say nắng) là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt.
Nên mặc áo kín và dày khi buộc phải giao thông ngoài trời nắng nóng.
ThS. BS. Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Nếu ai đó bị sốc nhiệt, hãy gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Bất cứ sự trì hoãn việc tìm kiếm hỗ trợ y tế nào đều có thể khiến bệnh nhân tử vong. Trong khi đợi y tế đến, cần phải tiến hành sơ cứu. Đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ, hoặc ít nhất là một khu vực râm mát, và cởi bỏ bất cứ quần áo nào không cần thiết. Nếu có thể được, đo nhiệt độ của bệnh nhân và bắt đầu tiến hành sơ cứu bằng cách làm mát để hạ nhiệt độ xuống 38,33 – 38,880C (101 - 1020F). Nếu không có nhiệt kế, không do dự tiến hành sơ cứu.
Ngoài ra, BS. Lương Quốc Chính khuyến cáo một số phương pháp sau: Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước; Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể; Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, hoặc bồn tắm nước đá.
Nếu hỗ trợ y tế tới muộn, có thể gọi điện tới các phòng cấp cứu trong bệnh viện để được hướng dẫn thêm.
Khi đã hồi phục sau sốc nhiệt, bệnh nhân có thể nhạy cảm hơn với nhiệt độ cao trong các tuần tiếp theo. Vì vậy, tốt nhất là tránh thời tiết nóng và tập luyện nặng cho tới khi bác sĩ nói đã an toàn để quay lại các hoạt động bình thường.
Nói về các nguyên nhân gây sốc nhiệt, bác sĩ Chính cho rằng: Sốc nhiệt rất dễ ảnh hưởng tới người cao tuổi sống trong các căn hộ hoặc nhà thiếu điều hòa không khí hoặc nhà không được thông khí tốt. Các nhóm nguy cơ cao khác bao gồm người ở bất cứ lứa tuổi nào không uống đủ nước, có bệnh mạn tính, hoặc những người uống quá nhiều bia rượu.
Sốc nhiệt có liên quan chặt chẽ với chỉ số nhiệt (heat index), chỉ số nhiệt là một đại lượng đo lường xem bạn cảm thấy nóng như thế nào khi những ảnh hưởng của độ ẩm tương đối và nhiệt độ không khí được kết hợp. Độ ẩm không khí trên 60% làm cản trở việc đổ/bài tiết mồ hôi do đó làm cản trở khả năng tự làm mát của cơ thể. Nguy cơ rơi vào các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt tăng đáng kể khi chỉ số nhiệt leo lên tới trên 90 độ. Vì vậy, điều quan trọng (đặc biệt là trong đợt nóng) là chú ý tới chỉ số nhiệt được báo cáo, và cũng cần nhớ rằng tiếp xúc hoàn toàn với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng chỉ số nhiệt được báo cáo lên 15 độ. Nếu sinh sống ở khu vực đô thị, có thể đặc biệt dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài, đặc biệt nếu điều kiện khí quyển trì trệ (không có gió) và chất lượng không khí kém.
Hiện tượng mà được gọi là “hiệu ứng đảo nhiệt” (nhựa đường và nhà kho bằng bê tông bị đốt nóng vào ban ngày và chỉ tỏa dần nhiệt vào ban đêm) làm cho nhiệt độ ban đêm cao hơn. Ngoài ra, còn một số yếu tố như: Tuổi, với trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương do nhiệt bởi vì họ thích nghi với nhiệt chậm hơn so với những người khác; Tình trạng sức khỏe: các bệnh lý tim, phổi hoặc thận, béo phì hoặc thiếu cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, bệnh hồng cầu hình liềm, nghiện rượu, bỏng nắng, và bất cứ tình trạng nào gây sốt... đều rất dễ bị tổn thương do nhiệt; Thuốc, khi sử dụng các thuốc kháng histamin, thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu, thuốc an thần, các thuốc kích thích, thuốc chống động kinh, thuốc tim mạch và huyết áp (thuốc chẹn beta, thuốc co mạch), và các thuốc điều trị bệnh tâm thần (thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần)... làm tăng nguy cơ tổn thương do nhiệt. Ma túy (cocain, methamphetamin) cũng liên quan tới việc tăng nguy cơ bị sốc nhiệt.
Những người có bệnh đái tháo đường - có nguy cơ cao phải vào cấp cứu, nhập viện, và tử vong do các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt – thường đánh giá thấp nguy cơ của họ trong đợt nóng.
Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kỷ lục xảy ra gần một tuần qua, nhiều người già phải nhập viện điều trị bệnh tăng huyết áp, tim mạch đột quỵ, viêm phổi và sốc nhiệt. Bên cạnh đó, cũng không ít trẻ em bị bệnh về hô hấp, sốt cao, viêm phế quản- phổi, rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy do virus. Nắng nóng gay gắt, kéo dài nhiều ngày qua đã khiến lượng bệnh nhân tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng khoảng 10%, chủ yếu là rối loạn điện giải do mất nước, mất muối, viêm phổi, tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ.
Trẻ em cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nắng nóng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tăng nhẹ, chủ yếu là những trẻ đến khám bệnh về hô hấp, viêm phế quản- phổi, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do virus, trong đó hơn 15% bệnh nhân có biến chứng viêm phổi. Chị Đỗ Thương Huyền ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Cháu nhà tôi 15 tháng tuổi bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn bị hỏng do nắng nóng.
3 ngày qua cháu nôn liên tục. Nhà tôi 2 cháu đều ốm. Cháu lớn gần 4 tuổi bị viêm amidan nên sốt cao”. Còn chị Bùi Thị Phương ở Cẩm Khê, Phú Thọ cho biết: nhà chị không có điều hòa và con chỉ ở trong nhà nhưng vẫn bị ốm: “Cháu nhà tôi 4 tuổi, cháu bị ho, sốt gần 1 tuần nay, uống thuốc không khỏi nên tôi cho cháu đi khám. Thời tiết nắng nóng quá nên cháu ở trong nhà vẫn ốm”.
Bác sỹ Trương Thúy Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, khi trẻ bị sốt cao nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt, hạn chế việc đặt thuốc hạ sốt đường hậu môn và tuyệt đối không được dùng đá lạnh để chườm cho trẻ. Nhiều trẻ bị sốt cao, rét run do bị co mạch dẫn đến tăng nhiệt độ cơ thể lên cao, gây co giật. Khi đó cần cho trẻ ở nơi thông thoáng, cởi bớt quần áo, dùng nước ấm 38 độ chườm cho trẻ. Không dùng đá để chườm vì sẽ làm co mạch và trẻ càng sốt cao hơn.