Bên Quốc lộ 15C – con đường thiên lý nối Mường Lát với miền xuôi Xứ Thanh, sạp mận của Gióng nằm chênh vênh bên ta-luy âm ngay đỉnh Cổng Trời gió lùa hun hút. Chuyện bán buôn ư? Em chỉ cười vì không sõi tiếng Kinh để nói cho hết nghĩa. Tôi chỉ thấy ánh lên trong đôi mắt một mí, nụ cười đầy nắng của em là niềm vui của sự no đủ.
Sạp mận của Sùng Thị Gióng trên đỉnh dốc Cổng Trời.
Chuyện của Gióng
Mặt trời tỏ mặt người, Gióng đã bày xong hàng. Từng ký mận tím sẫm đã được Gióng cẩn thận đóng vào túi ni – lon, tiện cho khách mua lẻ. Bên chiếc bàn uống nước kê ở góc lán, Gióng để sẵn một rổ mận để khách dừng chân uống nước và ăn thử trước khi rời đi. “Ồ cứ ăn thử đi, mình không lấy tiền đâu mà”- Gióng cười, giọng còn lơ lớ chưa sõi tiếng Kinh. Quấn sát bên chân là cô con gái lên 3 Giàng Thị Hằng, bé như con sóc nâu, tóc hươm nắng, tròn mắt nhìn những người khách lạ. Phía xa bên kia dốc đã nghe tiếng xe máy ì ạch với bao mận của chồng Gióng - Giàng A Vãng về đến.
33 tuổi nhưng vợ chồng Gióng bản Khẳm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã kịp có với nhau 3 mặt con. Đứa lớn nhất đã bước vào năm học cuối cấp hai, đứa bé nhất thì đèo đẽo theo mẹ ra dốc Cổng Trời buôn bán. Hỏi chuyện xưa, Gióng cười, mắt vẫn còn vương màu buồn. Chồng Gióng, thằng Vãng ấy, trước nó ham rượu hơn tất thảy mọi thứ, kể cả vợ. Lấy nhau suốt mười mấy năm mà trong nhà không có gì đáng giá dẫu cho Gióng cặm cụi với cây ngô, cây lúa nương từ đông sang hè. Vãng chỉ chịu lên nương khi trong nhà không còn một hào, một cắc để mua rượu, 3 đứa con, nó giao hết cho vợ. Việc lo cơm áo, Vãng như người dưng. Giáp hạt năm nào, đáy khạp đựng gạo trong nhà cũng cạn trơ đáy.
Nhà Gióng cũng trồng mấy gốc mận theo phong trào nhưng ăn không hết mỗi độ vào mùa. Năm kia, có ông khách đeo kính trắng dày cộm, đi cùng đoàn cán bộ huyện xuống thăm đúng mùa mận chín. Thấy mận nhiều mà chả ai buồn hái, ông hỏi Gióng: “Sao không đem ra ngoài đường bán, sẽ có nhiều người mua đấy!”.
Với Gióng và người dân bản Khằm, lâu nay, quả chín toàn đem cho, ai xin thì tự hái chứ bán buôn cho ai. Rồi lúc nông nhàn cũng đến vừa mùa mận chín, nhớ lời ông khách năm trước, Gióng hái một rổ mận chín thẫm, dắt cô con gái ra dốc Cổng Trời đứng chờ người qua lại ghé mua.
Vị khách đầu tiên ghé rổ mận của Gióng là một đôi trai gái trẻ, họ họ hỏi mua nhưng Gióng chả biết bán ra sao, chỉ bảo cứ lấy đi, đưa bao tiền thì đưa. Họ lấy cả rổ mận rồi dúi vào tay mẹ con Gióng tờ 100 nghìn đồng. Bán được mận, thấy trong lòng vui quá, Gióng lại tất tả dắt con về hái thêm rổ nữa ra bán… và cũng như rổ mận lúc ban đầu, khách đã mua ngay khi Gióng đưa đến Cổng trời.
Cổng Trời mùa này nắng quá, nắng đến quắt người lại! Gióng bảo chồng bớt rượu, đi đốn cây về dựng cho mẹ con Gióng một cái lán ngay đỉnh dốc để làm nơi tránh trú và buôn bán. Nó ậm ờ trong cơn say nhưng rồi cũng nghe lời, sáng hôm sau đã thấy lầm lũi vác cây ra đỉnh dốc dựng lán… “Bán được lắm đấy! bán hết mận của nhà, gom hết của bà con trong bản cũng không đủ, thằng chồng phải lên cả Nhi Sơn, Pù Nhi đưa mận về cho mình bán”.
Chính mùa mận, Gióng bán cho khách mỗi kg là 20 nghìn đồng. Trừ tiền gốc đi, mỗi ngày 2 vợ chồng Gióng cũng lời được từ 200 – 300 nghìn đồng. Từ ngày vợ ra đây bán mận, chồng Gióng đã bớt rượu, nó chỉ uống khi bản có giỗ chạp, đình đám nhưng uống có chừng mực. “Nó phải tỉnh để đi chở mận giúp mình, phải làm để có cái mà cho con ăn học chứ”- Gióng liếc chống đang dỡ những bao mận xuống khỏi xe, nói nhỏ đầy trìu mến.
Nhờ cây mận, đời sống kinh tế của vợ chồng Gióng đã đỡ vất vả hơn hẳn. Cũng nhờ cây mận mà dám con của gióng đã được cho lên học tại trường dân tộc nội trú của huyện. Trong ước mơ của Gióng, mai này, chúng sẽ trở thành cô giáo, thầy giáo khi được học hết cái chữ.
Cây mận góp phần giúp đời sống người Mường Lát no đủ.
Chuyện cây mận Tam hoa ở Mường Lát
Vừa vin những cành mận ngang mày, thoăn thoắt hái những chùm mận cho vào chiếc gùi nhỏ đeo sau lưng, Thao Lâu Pó vừa kể cho tôi nghe về cơ duyên với cây mận tam hoa.
Pó bảo: Thật ra, trong suy nghĩ của đồng bào người Mông ở Mường Lát, chuyện cây mận bén rễ và cho quả ở đây nó cũng tự nhiên như mọi sự tự nhiên khác.
Đại loại thế này: Khoảng 8 năm trước, khi tỉnh có chủ trương đưa cây mận Tam hoa lên đây để giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, mặc cho cán bộ nông nghiệp huyện về tuyên truyền đến rát họng cũng chả mấy người trong bản để lọt vào tai nhưng có người cho giống, ừ thì nhận, thì trồng thử, chả mất gì. Thế rồi cái thứ cây lạ ấy hợp với đất, với khí trời của Mường Lát cứ thế cao vống lên, xanh um mà chẳng cần phải tốn công chăm bón. Được khoảng 3 năm, cây bắt đầu cho vụ quả bói đầu tiên. Mặc dù có chung nguồn gốc với giống mận Tam hoa ở các tỉnh phía bắc, nhưng mận ở Mường Lát khi chín thường có màu đỏ sậm hơn bình thường, quả to đều, căng mọng, hạt nhỏ. Khi chín kỹ, quả có vị ngọt thanh, thịt giòn và hơi bột nơi đầu lưỡi. Vì trồng ít gốc nên khi đến mùa, thường mận chỉ đủ để ăn và biếu mấy nhà bà con xa đến chơi.
“Mấy năm trước, cũng vào mùa mận chín, có một đoàn khách trẻ đi xe máy dừng chân ở đây, họ lấy ăn thử rồi xin được mua. Mình bảo bán cũng được nhưng không biết giá đâu, trả bao nhiêu thì trả với lại họ phải tự hái thôi!” - Pó nói rồi dừng tay hái mận, với bình nước lá rừng tu ừng ực.
“Hai ngày sau, đoàn khách ấy quay lại và xin được mua hết số mận còn lại trên cây. Vì không còn nhiều nên họ sang cả mấy nhà bên xin mua thêm rồi chất hết lên xe đưa đi. Cứ mỗi cân họ trả cho mình và bà con 20 nghìn. Thấy bán được nên rủ nhau trồng thêm thế là thành đồi, thành rừng thôi”- Pó nói rồi lấy vạt áo lau những giọt mồ hôi đang chảy thành dòng xuống ngực.
3 gùi mận của Pó cũng đã đầy khi mặt trời mới rõ mặt người. Cẩn thận đem một gùi xuống để ngay đầu ngõ, Pó nói: “Phần này là để riêng cho thằng Giàng A Vãng dưới tận Trung Lý lên lấy đem về cho vợ nó bán. Cái sạp hàng ở ngay dốc Cổng trời của con vợ nó thế mà lại hay, lấy bao nhiêu mận về cũng bán hết. Có mấy đợt, thương lái không về lấy hàng đúng hẹn, đều phải nhờ nó vào đem về bán cho cả đấy!
Câu chuyện về cây mận đang góp phần xóa nghèo trên đỉnh Cổng Trời Mường Lát được ông Hà Văn Liệu- Phó Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn nói rõ hơn: Khoảng hơn dăm năm trở lại đây, người dân ở các bản Mông xã Nhi Sơn và xã Pù Nhi đã chuyển đổi hầu hết diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả lâu năm.
Ngoài giống mận tam hoa, ở đây còn có những hộ đã biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc lai tạo, cắt ghép để nâng cao hiệu quả cây trồng, trong đó có giống đào lai mận. Các giống đào trái vụ cũng cho năng suất và chất lượng quả tốt, và do trái vụ, nên đầu vụ bán rất nhanh và được giá.
Thực tế ở các bản Mông Pá Hộc, Lốc Há, Pù Toong... cho thấy, mô hình trồng mận, đào trái vụ, đào lai sẽ tạo ra hàng hóa đặc sản, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần cải thiện thu nhập cho đồng bào Mông ở xã Trung Lý, Pù Nhi và Nhi Sơn huyện Mường Lát.
“Trước đây, phần lớn đồng bào Mông chỉ biết trồng ngô, trồng lúa, tuy không đến nỗi nghèo đói nhưng thu nhập thấp. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 15 ha đất đồi được chuyển đổi sang trồng đào và mận và số diện tích này đã bắt đầu cho thu hoạch. Rõ ràng nếu làm đúng hướng, cây mận phần giúp người dân Mường Lát thoát nghèo”- ông Liệu chia sẻ.
Cuối tháng 5, ở Nhi Sơn (huyện Mường Lát), mặt trời như thức dậy sớm hơn thường lệ. 4h sáng, Thao Lâu Pó đã nai nịt gọn gàng, sắp sẵn 3 chiếc gùi lớn để lên đồi hái mận cho các thương lái dưới xuôi lên như đã hứa từ đêm trước.
Pó nói: “Phải hái sớm khi cây còn đẫm sương đêm, quả mới tươi lâu, bán mới được giá. Với lại, hái xong sớm còn nghỉ ngơi”.
Trong ráng hừng đông, vạt đồi gần trăm gốc mận gần 10 năm tuổi của Pó um tùm như một góc rừng nhỏ. Có tiếng chân người, vài con sẻ quạt giật mình thảng thốt bay lên làm rung rinh các đầu cành chĩu chịt quả căng mọng, sẫm màu sau lớp phấn sương buổi tinh mơ.