Lương công chức thấp nhưng để vào được biên chế lại cực kỳ khó, tiền lương không đủ sống nhưng khi đến tuổi rất nhiều người vẫn không muốn về hưu... Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại tại Hội thảo “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương”, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 12/10.
Theo ông Thang Văn Phúc-nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hiện thiết kế hệ thống thang bảng lương, mức lương, các loại phụ cấp theo lương…bất cập, mâu thuẫn không phản ánh vị trí việc làm của người cán bộ, công chức. Hiện có quá nhiều loại phụ cấp (khoảng 18 loại), gây khó khăn, không bình đẳng, cần xem xét, tính toán lại cho phù hợp.
Lương là nguồn thu nhập chính của người lao động.
Dễ nảy sinh tham nhũng vì lương thấp
Đánh giá về hệ thống tiền lương hiện nay, các chuyên gia cũng cho rằng, trên thực tế đang tồn tại nghịch lý thu nhập từ lương rất thấp nhưng hầu hết công chức đều sống đàng hoàng.
Tiền lương rất thấp nhưng để vào được biên chế lại cực kỳ khó, tiền lương không đủ sống nhưng khi đến tuổi rất nhiều người vẫn không muốn về hưu.
Nguyên do là thu nhập ngoài lương rất lớn, nhiều khoản thu nhập chưa đưa vào lương như xe cộ, nhà ở, điện thoại…và lợi thế không phải vật chất như cơ hội học tập, uy tín..
Nói về vấn đề này, ông Thang Văn Phúc- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ cho rằng, tiền lương công chức hiện nay quá thấp, không đủ sống (mới đảm bảo khoảng 50-60% nhu cầu), không đủ tái tạo sức lao động và có tích lũy.
“Hệ quả là các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất của tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển và trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước”- ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng cho rằng, thiết kế hệ thống thang bảng lương, mức lương, các loại phụ cấp theo lương…bất cập, mâu thuẫn không phản ánh vị trí việc làm của người cán bộ, công chức.
Hiện có quá nhiều loại phụ cấp (khoảng 18 loại), gây khó khăn, không bình đẳng, mâu thuẫn, cần xem xét, tính toán lại cho phù hợp.
Đồng tình, TS Trần Đình Thảo cũng cho rằng, lương thấp cũng chính là lý do dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh, đồng thời là nguyên nhân khó thu hút nhân tài và gây nên các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, tạo lực cản trong cải cách hành chính ở nước ta.
Cần sớm có bước đột phá
Chính sách tiền lương của Việt Nam sau nhiều lần cải cách đã từng bước đổi mới theo thị trường, tách dần tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh với khu vực hành chính nhà nước và khu vực sự nghiệp cung cấp dịch vụ công.
Đồng thời mở rộng và làm rõ trách nhiệm, quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc xếp lương, trả lương gắn với năng suất lao động. Nhờ vậy mà tiền lương và thu nhập của người làm công ăn lương có xu hướng tăng từ 10-20%/năm. Tuy nhiên thực tế cho thấy đã tồn tại rất nhiều bất cập xung quanh câu chuyện về lương.
Bàn về giải pháp, theo các chuyên gia, cần sớm có bước đột phá trong vấn đề tiền lương, nếu chỉ loay hoay tìm cách thiết kế lại hệ thống tiền lương thì không có lối ra.
Bên cạnh đó, từ lâu tinh giản biên chế được đặt ra như một yêu cầu cấp bách nhưng càng hô hào, càng thực hiện thì bộ máy càng phình to, cồng kềnh hơn. Do đó, cần phải thực hiện quyết liệt và hiệu quả việc tinh giản biên chế bộ máy nhà nước.
Nhìn từ góc độ cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng đối với chính sách tiền lương- thu nhập của cán bộ công chức viên chức, Nguyễn Trọng Nghĩa- nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho rằng: “Cần phải xây dựng một chính sách lương “sạch” đủ cao so với các đối tượng lao động khác để cán bộ công chức, viên chức thực hiện 4 không: “không được, không thể, không muốn, không dám tham nhũng”. Một khi chính sách tiền lương- thu nhập hợp lý sẽ tạo được tiền đề tích cực cho loại bỏ tham nhũng khỏi bộ máy”.
Ở góc độ khác ông Thang Văn Phúc lưu ý, cần có bước đi cụ thể quá trình tiền tệ hoá tiền lương, các thu nhập ngoài lương phải được kiểm soát. Nguyên tắc chủ đạo là phải có những bứt phá mới trong việc thiết kế lại hệ thống thang bảng lương đơn giản, phù hợp hơn.
Trong đó phải tiến hành tổng rà soát, sắp xếp tinh giản tổ chức - biên chế nhà nước, tiến hành quyết liệt việc tách quản lý hành chính Nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và sự nghiệp dịch vụ công.