Theo AP news, đêm 23/11 (giờ địa phương), Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng tàu vũ trụ DART vào tiểu hành tinh Dimorphos để thử nghiệm xem liệu đây có phải là cách khả thi để bảo vệ Trái đất trước khả năng va chạm với các tiểu hành tinh trong tương lai.
Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Đôi - DART, viết tắt của Double Asteroid Redirection Test, được phóng từ tên lửa Falcon 9 của hãng SpaceX tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở California. Theo tính toán, nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, tàu vũ trụ DART sẽ tiến vào hệ mặt trời và sẽ đâm thẳng vào Dimorphos, một tiểu hành tinh có chiều ngang 525 feet (160 mét), với vận tốc 15.000 dặm / giờ (24.139 km / giờ) vào tháng 9/2022.
Theo NASA, Tiểu hành tinh Dimorphos quay quanh một tiểu hành tinh lớn hơn nhiều được gọi là Didymos. Hai tiểu hành tinh này không gây đe dọa cho Trái đất nhưng khoảng cách gần khiến chúng trở thành ứng cử viên hàng đầu cho việc thử nghiệm một kỹ thuật “phòng thủ hành tinh”, giúp bảo vệ Trái đất khỏi các mối đe dọa từ ngoài vũ trụ.
Bà Nancy Chabot, Trưởng điều phối DART tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Đại học Johns Hopkins (APL)- đơn vị đang quản lý dự án cho biết: Cuộc va chạm sẽ không phá hủy tiểu hành tinh, nó chỉ như một cú “huých” nhỏ làm chệch hướng đường đi của tiểu hành tinh này. Tuy nhiên cú huých nhỏ này sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn về vị trí trong tương lai của tiểu hành tinh này, giúp loại bỏ khả năng va chạm với Trái Đất.
Mục tiêu của DART là sẽ đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos, với tốc độ khoảng 21.700 km/giờ, nhằm mục tiêu thay đổi 1% quỹ đạo của nó. Thay đổi này tuy không đáng kể nhưng đủ lớn để các nhà khoa học có thể quan sát được qua kính thiên văn ở Trái đất. Sứ mệnh này sẽ diễn ra vào thời điểm mà cặp tiểu hành tinh này sẽ cách Trái đất 11 triệu km, đủ gần để các nhà khoa học có thể nhìn thấy chúng.
Sự thay đổi của chu kỳ quỹ đạo sẽ được đo bằng kính thiên văn trên Trái đất. Thay đổi tối thiểu để nhiệm vụ được coi là thành công là 73 giây.