Một cuộc tập trận lớn chưa từng có trong suốt gần 3 thập kỷ qua mang tên “Người bảo vệ châu Âu 2020” được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu sẽ kích hoạt trong tháng 4 và tháng 5 tới. Nga đã chính thức có những phản ứng mạnh với cuộc tập trận vốn được ví là “đòn đánh phủ đầu” khi tiến sát biên giới nước này.
Binh lính Mỹ bắt đầu di chuyển đến châu Âu chuẩn bị cho cuộc tập trận lớn nhất trong vòng 30 năm qua.
Cuộc “động binh” khổng lồ
“Đến thời điểm này, các công tác chuẩn bị cho cuộc tập trận “ Người bảo vệ châu Âu 2020” (Defender-Europe 2020) - cuộc tập trận lớn nhất trong vòng 25 năm qua và lớn thứ 3 kể từ thời Chiến tranh Lạnh đã sẵn sàng” – AFP trích dẫn nguồn tin thân cận từ NATO.
Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn tin quân sự của NATO cho biết cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 37.000 binh sĩ đến từ Mỹ và 18 quốc gia (16 thành viên NATO và 2 đối tác là Phần Lan và Georgia). Trong đó, Mỹ đóng góp 20.000 binh lính trong nước cùng 9.000 lính Mỹ đồn trú ở châu Âu. Số 8.000 quân nhân còn lại đến từ 17 quốc gia khác.
Một lượng khí tài quân sự hiện đại nhất từ trước đến nay bao gồm 500 xe tăng, pháo tự hành và xe chiến đấu bộ binh hạng nặng, hàng trăm máy bay cùng hàng chục nghìn phương tiện bánh lốp cũng sẽ được huy động tham gia cuộc tập trận.
Về địa bàn tập trận, Mỹ và NATO cũng không giấu giếm khi triển khai quân và vũ khí ở 10 quốc gia, tiến sát biên giới của Nga. Đáng chú ý, các cuộc diễn tập lớn sẽ được tổ chức tại các quốc gia Baltic, Ba Lan và Georgia. Các thao trường của Ba Lan ở Dravsko-Pomorsk sẽ đón tiếp 6.000 lính Mỹ, ở Szczecin - 1.200 quân, ở Gdynia (sân bay Babi-Doly) -1.500 quân.
Đặc biệt, theo thỏa thuận riêng gần đây với Mỹ, Ba Lan còn đồng ý đón 1.000 lính Mỹ theo cơ chế luân phiên trong những năm tới ngoài 4.500 quân đang có mặt tại nước này nhằm huy động cho cuộc tập trận.
Ngay từ tháng 2, các phương tiện theo dõi quân sự của Nga đã ghi nhận được các luồng di chuyển quân sự và khí tài cho cuộc tập trận. Theo đó, hàng loạt thiết bị quân sự đã di chuyển bằng đường thủy và đường sắt đến các điểm tập kết của mặt trận phía Đông châu Âu.
Trong khi đó, theo dự báo của Nga, trước khi tập trận chính thức bắt đầu, hướng di chuyển của máy bay quân đội Mỹ sẽ hạ cánh tại 10 sân bay châu Âu và trong vòng 96 giờ, từ các kho sẽ chuyển giao và đưa vào hoạt động hơn 480 xe tăng và xe chiến đấu, 2.000 đơn vị ôtô.
Việc di chuyển và đảm bảo hậu cần, kỹ thuật cho hàng chục ngàn binh sĩ cùng với trang thiết bị kỹ thuật cùng một lúc cho cuộc tập trận được Mỹ chi bảo đảm với số tiền lên đến 340 triệu USD.
AFP cho biết, là quốc gia chịu trách nhiệm đăng cai, 4.000 binh sĩ quân đội Đức sẽ lo hỗ trợ hậu cần. Trung tâm chỉ huy hậu cần của cuộc tập trận là Bộ chỉ huy Liên quân về Hỗ trợ và Kích hoạt của NATO, được thành lập tại Ulm năm 2018, nằm dưới sự chỉ huy của Cục Căn cứ Lực lượng vũ trang Đức.
NATO “dí súng cạnh sườn” Nga
Khi cuộc tập trận chuẩn bị diễn ra, trong bối cảnh Nga đang đặc biệt lo ngại, Tổng Thư ký NATO, Stoltenberg đã lên tiếng trấn an: “Cuộc tập trận không nhằm chống lại bất cứ quốc gia cụ thể nào… Cuộc tập trận mang tính phòng thủ này thể hiện khả năng linh hoạt trong việc điều động binh sỹ từ Mỹ tới châu Âu nhằm giúp bảo vệ đồng minh”.
Giới chuyên gia quốc tế đã ví cuộc tập trận khổng lồ của NATO ngay sát biên giới với Nga là hành động “dí súng cạnh sườn” uy hiếp trực tiếp tới nước này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Moscow sẽ không làm ngơ trước cuộc tập trận “Bảo vệ châu Âu 2020”, nhưng sẽ phản ứng theo cách không tạo ra rủi ro không cần thiết.
Bộ trưởng Lavrov cũng không ngần ngại khi cho rằng:”Tất cả mọi hành động của chúng tôi nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh trong phạm vi lãnh thổ của mình từ NATO”, đồng thời “NATO không có kế hoạch phát triển và thực hiện các biện pháp giảm leo thang với Nga. Thực tế, điều này cũng được xác nhận bởi hành động của tập trận nói trên của NATO”.
Gần đây nhất, ngày 8/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã chính thức lên án kế hoạch tập trận nói trên của NATO và cáo buộc “đây là kế hoạch nhằm tạo ra đòn đánh phủ đầu gần biên giới với Nga”.
Theo quan điểm của những chuyên gia quốc tế, tuy Nga đang e ngại và lo lắng trước những cuộc tập trận của NATO nhưng sẽ không có những phản ứng thái quá dẫn tới đụng độ hay tập trung nguồn lực quốc phòng tương tự như NATO đang bỏ ra.