Nên bỏ đồng loạt phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy?

Lục Bình 14/07/2015 10:30

Sau hơn 2 năm triển khai Nghị định của Chính phủ về việc thu phí đường bộ đối với xe gắn máy, hầu hết các địa phương trên toàn quốc đều gặp khó khăn vì người dân không đồng tình. Rất nhiều địa phương quyết định dừng khoản thu này trước khi có quyết định từ Chính phủ.

* Đà Nẵng và Khánh Hòa đã quyết định dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy

Mỗi chiếc xe máy của người dân đã phải chịu nhiều loại thuế và lệ phí. (Ảnh Hoàng Long).

Đà Nẵng, Khánh Hòa tạm dừng thu phí

Đến thời điểm này đã có 2 tỉnh Đà Nẵng và Khánh Hòa quyết định dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy.

Nói về lý do Đà Nẵng tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy, Chủ tịch MTTQ TP Đà Nẵng - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Qua gần 2 năm triển khai trên địa bàn TP, việc thu phí không chỉ khó khăn mà còn sụt giảm về chỉ tiêu. Theo kế hoạch, Đà Nẵng sẽ thu 10 tỷ từ khoản phí này (năm 2014), nhưng thực tế Đà Nẵng cũng chỉ thu được chưa đầy 3 tỉ đồng. Trong khi đó, nguồn thu phải trích lại 20% chi cho thực hiện công tác thu, 40% để lại phường xã, 40% để lại cho quận huyện, như vậy số tiền thu về sẽ chẳng được là bao. Hiện HĐND TP đã ra nghị quyết dừng việc thu phí đường bộ đối với xe gắn máy ngay trong năm 2015, đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm bãi bỏ nghị định này, ông Hùng nói.

Tổng thu từ phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy không nhiều, thực trạng này không chỉ ở Đà Nẵng, Khánh Hòa. Theo thống kê, ngay từ năm đầu thu phí đường bộ (2013) rất nhiều tỉnh thành thu được số tiền khá khiêm tốn như Đồng Tháp, Bắc Giang chỉ thu được trên dưới 2 tỉ đồng. Cá biệt có tỉnh thu chỉ được 21 triệu đồng là Bạc Liêu.

Hiện cả nước có khoảng 43 triệu mô tô, xe gắn máy, nếu mỗi xe chỉ thu 50.000 đồng thì phí bảo trì đường bộ thu được là một con số rất lớn. Nhưng đó chỉ là con số dự tính. Theo kết quả thanh tra mới đây của Bộ Tài chính, năm 2014, tại 8 quỹ địa phương Bộ Tài chính thực hiện thanh tra, tổng số phí sử dụng đường bộ thu từ xe máy mới chỉ được gần 100 tỷ đồng, chỉ đạt 22,2% so với kế hoạch.

Hà Nội: Số tiền thu phí đường bộ giảm mạnh qua từng năm

Hà Nội là một trong các địa phương đi đầu trong việc thu phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy. Tuy nhiên, số tiền thu về từ loại phí này giảm mạnh qua từng năm. Cụ thể, năm 2013, Hà Nội đã thu được 55 tỷ đồng từ loại phí này. Tuy nhiên, sang năm 2014, dù lượng xe máy tiếp tục tăng, thế nhưng kết quả cho thấy số tiền thu được lại “rớt thê thảm” so với năm 2013, chỉ thu được 36 tỷ đồng, giảm 19 tỷ đồng so với năm 2013. Bước sang năm 2015, UBND TP Hà Nội quyết định giao chỉ tiêu thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện cho từng quận, huyện để đạt được số tiền là hơn 286 tỷ đồng. Dù vậy, cho đến nay đã qua 6 tháng đầu năm, nhưng thu từ phí sử dụng đường bộ tính trên đầu phương tiện đối với xe máy đạt… gần 3 tỷ đồng.

Nói về kết quả thu quỹ năm sau giảm hơn năm trước bà Nguyễn Thị Mơ, tổ trưởng tổ dân phố Trung, phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, người trực tiếp thu loại phí này cho biết: Rất nhiều khó khăn trong việc thu loại phí này. Bởi, nếu thu phí bảo trì đường bộ xong chỉ có tờ biên lai “vô giá trị”, ra đường chẳng cơ quan nào kiểm tra, khiến người nộp và người không nộp như nhau, gây ra sự bất công bằng. Cho nên ngày càng ít người dân đóng phí.

Trả lời câu hỏi có nên bỏ phí bảo trì với xe gắn máy trên địa bàn Thủ đô hay không, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, có rất nhiều khó khăn trong việc thu loại quỹ này vì dân không đồng tình. Thế nên, “nếu Chính phủ bỏ thu phí đối với xe máy thì HĐND Hà Nội, cử tri Hà Nội rất ủng hộ”.

Đối với TP Hồ Chí Minh, hiện chưa có quyết định cuối cùng về phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy. Tuy nhiên, dự kiến trong kỳ họp lần thứ 18 HĐND TP HCM vào cuối tháng 7, UBND TP sẽ báo cáo HĐND TP về vấn đề này. Trên cơ sở đó, HĐND TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét, quyết định có ngừng thu phí đường bộ đối với xe máy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không? Trong khi chờ sự xem xét này, hiện hầu hết các quận - huyện trên địa bàn TP đã tạm thời “án binh bất động” đối với việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe gắn máy. Ngay cả quận duy nhất (Q.9) đã tiến hành thu phí tại 13 phường cũng tạm dừng lại.

Nhiều địa phương kêu khó trong việc thu phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy.

Loại bỏ phí “ba không” trên toàn quốc

Trả lời câu hỏi có nên bỏ phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy, nhiều ý kiến cho rằng phải loại bỏ bởi đây là loại phí “ba không”.Cái không đầu tiên là không hợp lý. Bởi, theo nhiều người dân, “1 chiếc xe máy khi đến tay người dân sử dụng thì đã chịu nhiều loại thuế và lệ phí rồi. Bây giờ chịu thêm phí đường bộ nữa là không hợp lý”. Cái không thứ hai là không công bằng. Việc các địa phương căn cứ vào thực tiễn đề ra các mức thu khác nhau trong khung quy định chung là có thể hiểu được. Nhưng phương thức thu “thả nổi” người nộp cũng như người không nộp thì không thể nói đảm bảo công bằng. Cái không thứ ba là không có sự đồng thuận của người dân. Điều này là rất rõ ràng.

Trái ngược với tỉnh giàu, vẫn có những tỉnh “nghèo” cho rằng cần cân nhắc có nên bãi bỏ loại phí này hay không? Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bắc Kạn Lăng Văn Hòa cho biết: “Các địa phương khác thì không biết việc thu phí được tiến hành ra sao, nhưng riêng với Bắc Kạn từ lúc triển khai việc thu phí quỹ bảo trì đối với xe máy thì chúng tôi làm tốt hơn các tỉnh khác rất nhiều, dù chúng tôi là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. Theo đó, dù không thu được nhiều, chỉ hơn 2 tỉ đồng/năm nhưng, nhưng số tiền này cũng giúp nhiều cho việc sửa chữa, cải tạo đường sá mà không cần chờ ngân sách từ trung ương.

Có nên bỏ phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy hay không, ông Nguyễn Văn Huyện , Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông -Vận tải) - cho biết: Quỹ bảo trì đường bộ là do các tỉnh, thành phố quyết định trực tiếp thu và quản lý. Thu với mức nào thì cũng đã có quy định tại Thông tư 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính, trong đó có quy định mức trần tối đa, mức tối thiểu là có thể thu 0 đồng. “Tổng cục Đường bộ không có quyền can thiệp bởi đó là nguồn quỹ để bảo trì các tuyến đường của địa phương” - ông Huyện khẳng định.

Theo ông Huyện, nguồn quỹ thu được cũng sẽ do tỉnh cân đối và địa phương nào gặp khó khăn thì nên thu, còn khá thì có thể không thu nếu có đủ ngân sách dành cho việc bảo trì đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nên bỏ đồng loạt phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy?