Ngày 23-6, Hiệp hội BĐS TP.HCM và Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP tổ chức tọa đàm thực hiện quy định bảo lãnh ngân hàng - bảo vệ quyền lợi người mua nhà hình thành trong tương lai. Tại đây, DN BĐS băn khoăn, quy định bảo lãnh ngân hàng đối với nhà ở hình thành trong tương lai đang gây khó khăn cho DN và khách hàng phải mua nhà giá cao.
Nguồn: baodatviet.vn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai hạn chế rủi ro cho khách hàng. Quyền lợi của khác hàng được đảm bảo đối với những dự án không xây dựng đúng quy trình, tiến độ. Tuy nhiên, quy định trên vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho DN. Ông Lê Hoàng Châu lý giải, quy định này làm phát sinh chi phí mới trong cơ cấu giá thành BĐS mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Đơn cử, dự án chung cư có 100 căn hộ, mỗi căn hộ có giá 1 tỷ đồng, tổng trị giá chung cư là 100 tỷ đồng, dự kiến bàn giao căn hộ cho khách hàng sau 2 năm. Theo quy định bảo lãnh ngân hàng hiện nay, muốn được ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh có giá trị 100 tỷ đồng thì chủ đầu tư phải có 100 tỷ động đặt vào ngân hàng để được ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh. Trường hợp, nếu không có100 tỷ đồng tiền mặt thì chủ đầu tư phải có tài sản có giá trị gấp khoảng 1,3 lần để làm tài sản bảo đảm thay thế. Đồng thời, chủ đầu tư phải trả phí bảo lãnh khoảng 2%/năm, tương đương với khoảng 2 tỷ đồng/năm. “Tiền đầu tư vào một dự án BĐS rất lớn. Thường phải mất hàng trăm tỷ đồng, hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài số tiền đầu tư cộng với tiền ký quỹ chắc chắn không DN nào kham nổi” - ông Châu khẳng định.
Cũng về việc quy định bảo lãnh ngân hàng đối với nhà ở hình thành trong tương lai, đại diện một số DN cho rằng, nếu chọn giải pháp thế chấp thì gần như là không thể xảy ra được. Giải pháp tốt nhất hiện nay chính là bảo lãnh bằng chính dự án đó, nguồn thu đó. Ngoài ra còn một phương án khác, nên tạo điều kiện cho các công ty bảo hiểm tham gia bảo lãnh rủi ro thì đúng hơn.
Trả lời thắc mắc của DN BĐS, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, phí bảo lãnh do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận chứ Ngân hàng nhà nước không quy định. Hiện nay, các sản phẩm của ngân hàng đưa ra rất cạnh tranh từ lãi suất, phí… Phí bảo lãnh này dễ dàng chập nhận, thấp nhất là 0,5 - 2,5%/ năm. DN nên tham khảo các ngân hàng để lựa chọn.