Thay vì chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND xã, phường sau sắp xếp, một số ý kiến cho rằng nên để người dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo dự thảo này, Thường trực HĐND cấp tỉnh sẽ chỉ định chủ tịch HĐND xã, phường sau sắp xếp.
Bên cạnh đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND xã, phường sau sắp xếp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND, UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho đến khi UBND khóa mới được bầu ra.
Trong khi đó, tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi cũng quy định 22 nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong đó có bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn mới. Dự thảo quy định, chủ tịch UBND tỉnh sẽ thực hiện phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và quyết định điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp cơ sở và giao quyền chủ tịch UBND cấp cơ sở.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND cấp tỉnh còn quyết định tạm đình chỉ công tác đối với phó chủ tịch UBND cấp mình, chủ tịch UBND cấp cơ sở, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND cấp mình, cũng như người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, theo quy định hiện nay thì Chủ tịch UBND xã do HĐND xã bầu. Bây giờ nếu chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND xã, phường thì mang tính chất bổ nhiệm.
Về thủ tục theo ông Cuông sẽ nhanh gọn hơn đưa ra HĐND xã bầu. Nếu chỉ định thì trong quá trình làm thấy không tốt thì quy trình thay thế cũng sẽ nhanh hơn. “Thực ra HĐND xã bầu cũng là theo sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo toàn diện, trong khi đại biểu HĐND thì đại đa số đều là đảng viên thì phải thực hiện theo chủ trương của Đảng. Khi trên đã thống nhất rồi thì HĐND cũng theo quyết định của cấp trên”, ông Cuông nói.
Nhắc lại trước đây khi thảo luận, góp ý kiến vào dự luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiều ý kiến đồng tình đề xuất nên để nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch phường, xã. Việc này vẫn đảm bảo nguyên tắc nhân dân bầu và quyền lực vẫn bị giám sát, ông Cuông nói nên để chủ tịch UBND xã do dân bầu trực tiếp thì mới sát, gắn bó với dân, chịu sự giám sát của dân, khi dân tin tưởng thì chắc chắn các vị đó sẽ “chất lượng”. Vì thế hãy để dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã.
Thực tế thì vấn đề dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã là vấn đề đã được kiến nghị nhiều lần. Tại hội nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 3, khoá IX, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cho rằng, cần có quy định về việc người dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND cấp xã. Đồng thời, quy định thêm hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở là công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân tại cơ sở.
Trước vấn đề sau sắp xếp, khi chính quyền chỉ còn 2 cấp, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND xã, phường, ông Nguyễn Túc, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nêu rằng, cấp xã là cấp trực tiếp tại cơ sở. Tại cơ sở đã có HĐND xã. Vậy có nên để chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND xã, phường?.
Từ đó theo ông Túc nên để người dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã. Dân bầu trên cơ sở Mặt trận Tổ quốc giới thiệu để dân bầu. Và trên cơ sở đó thì tỉnh xem xét và quyết định, đảm bảo cơ chế dân chủ. Chính quyền của dân, do dân, vì dân.
“Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã nói xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân thì nên để Mặt trận cơ sở giới thiệu để dân bầu và lựa chọn”, ông Túc bày tỏ.
Mới đây, khi Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cũng cho hay vào năm 2020, tại Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận trực tuyến về dự thảo nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, cá nhân ông đã đề xuất nên thí điểm bầu chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trực tiếp bằng lá phiếu của nhân dân.
Theo ông Kim, quy trình làm cụ thể thời điểm đó đã trình bày tương đối rõ, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất của HĐND, giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc và đưa ra các ứng cử để tiến hành làm việc này.