Chính sách thuế thu nhập cá nhân có một số điểm cần phải xem xét lại, như biểu thuế lũy tiến quá dày, mức giảm trừ gia cảnh dù tăng nhưng vẫn chậm chạp so với diễn biến của giá cả … Ông Nguyễn Văn Được - Chuyên gia kinh tế, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín đã có cuộc trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Thưa ông, có nhiều quan điểm cho rằng mức giảm trừ gia cảnh áp dụng đồng loạt trên toàn quốc không công bằng trong khi mức chi tiêu cho người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cao hơn nhiều so với các vùng miền khác? Tương tự, sau nhiều năm mức thu nhập vãng lai vẫn duy trì ở ngưỡng 2 triệu đồng/lần vẫn bị trừ thuế 10% trong khi mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng hằng năm?
Ông Nguyễn Văn Được: Nguyên tắc xây dựng luật là tính phổ quát, bắt buộc phải áp dụng một mức chung giảm trừ gia cảnh.
Nhiều người nói rằng, mức sống ở TP Hồ Chí Minh cao hơn các địa phương khác, hay mức sống ở thủ đô Hà Nội cao hơn các địa phương khác thì phải có mức giảm trừ gia cảnh khác. Đã là pháp luật thì phải công bằng, không thể địa phương này áp dụng chính sách này, địa phương kia áp dụng chính sách khác.
Nếu như có sự khác nhau giữa các vùng miền thì trong trường hợp, tôi làm việc ở TP Hồ Chí Minh nhận mức thu nhập khá, rồi tôi lại bay về Mù Cang Chải để tôi đóng mức thuế ở vùng sâu vùng xa thì sao? Tôi sống ở vùng cao, tôi văn minh ít hơn thì tôi thực hiện pháp luật ít hơn à. Các biện minh, và lý lẽ như vậy là không phù hợp đối với luật pháp. Luật pháp phải có tính phổ biến và áp dụng trên toàn quốc. Chúng ta sống ở Việt Nam và pháp luật được xây dựng để có tính phổ quát trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Hay như ý kiến mức giảm trừ gia cảnh cần xây dựng theo mức lương cơ sở vùng. Tôi cho rằng như vâỵ cũng không được. Ví dụ như mình đăng ký hộ khẩu ở Lào Cai, nhưng vào TP Hồ Chí Minh làm việc vậy thì áp dụng cách tính thuế theo mức lương vùng miền cũng sẽ rất phức tạp. Hiện trạng của nhiều người hiện nay là, làm ở vùng này nhưng sinh ra ở vùng khác. Việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh đồng loạt, giống nhau theo tôi là phù hợp.
Vấn đề chúng ta cần xem xét là mức giảm trừ gia cảnh đang áp dụng hiện nay là 4,4 triệu đồng/người liệu còn phù hợp hay không.
Theo quy định, điều chỉnh tỷ lệ tính thuế TNCN theo mức độ lạm phát, nhưng Việt Nam lại quy định chỉ khi nào lạm phát trên 20% mới thay đổi mức tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như vậy là quá chậm?
- Luật quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng tăng 20% thì Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả. Luật mốc CPI tăng 20% để làm căn cứ điều chỉnh lại thuế, như vậy, chúng ta muốn thay đổi mốc 20% này thì chúng ta phải sửa Luật, mà sửa Luật không hề đơn giản.
Có nhiều ý kiến nói rằng, lấy mức lạm phát 20% để điều chỉnh cách tính thuế cao. Việc đưa ra con số 20% là có lỗi thời hay không thì phải để chuyên gia kinh tế tính toán. Nhưng bản thân tôi cũng đã có kiến nghị nên thay đổi mức 20% vì mức lạm phát này cao, nếu để lâu mới điều chỉnh thì người lao động bị thiệt. Chúng ta cần xem xét lại mốc để thay đổi, và khi mức thay đổi được thay bằng con số 10 % hay 15% thì độ linh hoạt của luật phù hợp hơn với thực tế.
Đây chính là điểm bất cập cơ bản trong sắc thuế TNCN, thời gian điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh dài quá. Đợt gần nhất mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng cũng phải mất đến 7 năm. Quy định này nếu không sửa sẽ thiệt thòi cho người nộp thuế vì tỷ lệ lạm phát những năm gần đây không cao, chỉ khoảng 2 - 4%/năm nên thời gian điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sẽ từ 5 - 7 năm mới được thực hiện.
Nếu không sửa luật thì có giải pháp thuận tình hơn là giảm thuế. Việc giảm thuế nằm trong giới hạn của Chính phủ. Nếu không muốn thay đổi kế hoạch ngân sách nhà nước thì Chính phủ có quyền gia hạn, giảm thuế thu nhập cá nhân.
Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, chính sách hỗ trợ thu nhập của Chính phủ có thể cân đối giữa việc giảm nhẹ nghĩa vụ thuế đối với tất cả những đối tượng nộp thuế thu nhập.
Thưa ông, hệ thống thuế thu nhập cá nhân với biểu thuế lũy tiến từng phần quá dày với 7 bậc thuế, từ 5 – 35%, khoảng cách giữa các bậc thuế quá thấp và mức thu nhập khởi điểm chịu thuế rất thấp?
- Đúng vậy, bậc thuế dày, thuế suất cao cũng là điểm hạn chế của thuế TNCN hiện nay, tại sao không giảm mức thuế suất xuống trong khu thi thuế thu nhập doanh nghiệp có 20%. Có tình trạng người lao động né nộp thuế TNCN, chỉ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và có hiện tượng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, điều này khiến cho ngân sách nhà nước hụt thu.
Chính sách thuế càng đơn giản, người nộp thuế dễ thực hiện và cơ quan thuế cũng dễ quản lý. Còn như hiện nay, bậc thuế quá dày, mức thuế cao nhất tới 35% khiến người nộp thuế cảm nhận chính sách đang tận thu.
Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, ước số thu từ thuế của năm 2021 đã đạt 123.000 tỷ đồng, bằng 114% dự toán, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước?
- Thuế TNCN có 10 khoản, ngoài tiền lương tiền công (chiếm trên 70% tổng thu thuế TNCN) thì còn các khoản khác như thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chứng khoán, bất động sản, đầu tư vốn, trúng thưởng, quà biếu quà tặng... Số thu thuế TNCN năm 2021 ở đây cao là do được bổ sung từ chứng khoán và bất động sản. Mà bản chất của hai thuế này là nằm ở tài sản, chứ không nằm ở tiền lương, tiền công.
Trân trọng cảm ơn ông!