Nên kiểm tra kiến thức toàn diện như ĐH Quốc gia đã làm

Công Nghĩa (thực hiện) 09/08/2015 09:45

GS Nguyễn Lân Dũng – Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam chia sẻ về việc dạy sử, học sử và về kỳ thi THPT Quốc gia. Ông nhấn mạnh: Tôi thiết tha đề nghị nghiên cứu kiểu thi kiểm tra kiến thức toàn diện như ĐHQG Hà Nội vừa làm thí điểm.

Nên kiểm tra kiến thức toàn diện như ĐH Quốc gia đã làm

Thí sinh tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực tại ĐHQG Hà Nội.

Nguồn: news.zing.vn

PV: Thưa GS, là người đã có 50 năm gắn bó trong ngành giáo dục, ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề dạy sử và học sử mà dư luận nói đến nhiều trong thời gian qua?

Nên kiểm tra kiến thức toàn diện như ĐH Quốc gia đã làm - 1

GS Nguyễn Lân Dũng

- Chuyện về môn Lịch sử đã quá nhiều người quan tâm vậy mà vẫn ám ảnh ngành giáo dục và các em học sinh. Để dễ hình dung, tôi muốn kể cho bạn một chuyện. Tôi quen một cháu bé, mới học lớp 3 nhưng lại rất yêu… lịch sử.

Mặc dù cháu học ở một trường quốc tế, học tiếng nước ngoài suốt ngày nhưng lại có niềm đam mê rất lạ với Lịch sử. Chẳng ai gợi ý hay khuyến khich cháu nhưng mỗi khi đi học về, cháu đều ngồi ở cầu thang và mê mải đọc sách Lịch sử. Bố mẹ chiều cháu mua cho cả một năn các sách Lịch sử.

Nhiều lần tôi ngạc nhiên khi hỏi cháu một tên là lạ của một đường phố ở Hà Nội, cháu trả lời vanh vách khiến tôi quá bất ngờ: Ông ta là ai, sống thời nào, có chiến công gì và mất vì sao…

Không phải học sinh nào từ khi cắp sách đi học đã thích Lịch sử, nhưng đối với các cháu thì cái gì đã thích là sẽ rất thích. Làm sao cho các cháu thích phải là nhiệm vụ của các thầy các cô và phụ huynh học sinh.

Đã bao nhiêu năm nay môn Sử được đưa vào chương trình giáo dục nhưng tại sao năm nào, kỳ thi nào người ta cũng phải “bật ngửa” với kết quả thi Sử, thưa GS?

- Tôi cho rằng chúng ta chưa có cách làm cho học sinh thích thú với một môn đáng lẽ rất lý thú này. Bằng cách dạy khô khan, mờ nhạt với một môn nhiều số liệu, lắm sự kiện như môn Lịch sử làm sao tạo được hấp dẫn cho học sinh?

Tôi hoàn toàn khó hiểu với cách ra đề thi, ví dụ như “Trình bày diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Có nghĩa là ngày nào nổ súng, ngày nào chiếm đồn nào, bao nhiêu tù binh, bắn rơi bao nhiêu máy bay… Nhớ thế nào nổi, và bây giờ một cú nhấp chuột là trên mạng có ngay, quá đầy đủ.

Nhẽ ra nên hỏi các cháu về ý nghĩa các mặt của chiến dịch lịch sử quan trọng này thì lại hay biết bao? Thời đại này không còn là thời đại của việc chăm chăm ghi nhớ một cách thụ động nữa. Nên đào tạo những bộ óc chứ không phải đào tạo những tủ sách. Kiến thức ngày càng nhiều mà bộ nhớ của con người chỉ có hạn. Hãy dành cho bộ óc nhiệm vụ sáng tạo và tưởng tượng. Nhà bác học Albert Einstein từng nói: “Phát triển khả năng tư duy và phán đoán độc lập cần được đặt ở vị trí đầu tiên thay vì nhận được kiến thức chuyên môn”.

Thật đáng buồn khi trẻ em thuộc lịch sử Trung Quốc qua xem quá nhiều phim Trung Quốc trong khi phim lịch sử nước nhà hầu như không có. Gần đây truyền hình đã có nhiều cố gắng để đưa các câu chuyện lịch sử lên truyền hình, sách tranh cũng đã bắt đầu xuất hiện, nhưng hầu như vẫn chưa hấp dẫn được trẻ thơ.

Vậy theo GS, truyền đạt có hiệu quả là cách truyền đạt như thế nào?

- Thật ra cách này ai cũng biết nhưng hầu như chỉ có những thầy cô giáo thật tâm huyết với nghề mới làm được. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN kể lại là khi vào Đại học do bị xếp nhầm lớp (nhẽ ra là học Toán) nhưng chỉ một giờ nghe thầy Trần Quốc Vượng giảng bài thế là mê luôn môn học này và nay trở thành Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát.

Thời học cấp hai tôi từng được học Sử với thầy Trần Văn Khang (chúng tôi đều gọi là ba Khang) mà mỗi giờ nghe là một giờ thích thú và khó có thể quên được từng câu chuyện lịch sử. Tôi rất tâm đắc với bài học lịch sử “Nên học sử ta” mà Bác Hồ với tên Nguyễn Ái Quốc đã viết dưới dạng diễn ca đăng trên báo Việt Nam độc lập ngay từ tháng 2/1942. Thật chí lý khi Bác khuyên “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam….

Đọc vài lần có thể thuộc về từng vị anh hùng dân tộc vì Bác viết rất giản dị theo vần lục bát. Chẳng hạn như: Tỉnh Thanh Hóa có một bà/Tên là Triệu Ấu, tuổi vừa đôi mươi/ Tài năng dũng cảm hơn người /Khởi binh cứu nước, muôn đời lưu phương…

Bây giờ cần lắm những cuốn sách dưới dạng kể chuyện nhẹ nhàng và hấp dẫn để các thiếu niên thích thú tìm đọc ngay từ khi còn nhỏ. Các thầy cô giáo dạy Sử phải như những người kể chuyện đầy tâm huyết để làm rung động trái tim của giới trẻ và giúp họ mang theo vào đời những truyền thống thật đáng tự hào của cha ông chúng ta.

Nếu mọi thầy cô giáo đều như vậy thì làm sao trong kỳ thi quốc gia vừa qua có thể có tới 442 em có điểm 0; 311 em có điểm 0,5 và 410 em có điểm 1; 1970 em có điểm 1,5 và tới 2957 em có điểm 2 (!).

Những con số đáng buồn này buộc chúng ta phải suy nghĩ về việc dạy và học về một bộ môn có vai trò rất quan trọng tới việc hun đúc lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Chúng ta nhớ lại ngay từ năm 1942 Bác Hồ đã nhấn mạnh nước ta “đời nào cũng có người anh hùng mưu cao, võ giỏi, đứng ra đoàn kết nhân dân đuổi giặc, cứu nước”.

Tôi thiết nghĩ nên có chủ trương: “Không bắt nhớ những dữ liệu gì không đáng nhớ, nhưng cần ghi sâu những bài học lịch sử”. Bạn tôi - PGS Văn Như Cương nói: “Nếu một người không làm toán thì cả đời họ sẽ không dùng đến đạo hàm vi phân hay tích phân”.

Chính vì vậy chuyện phân ban từ lớp nào là chuyện cần bàn rất kỹ. Nếu phân ban ngay từ lớp 9 thì quá sớm vì hạnh phúc lớn nhất của mỗi người là từng được cung cấp những kiến thức tối thiểu và toàn diện ngay từ ngày còn ngồi dưới mái trường phổ thông.

Như GS nói ở trên thì rõ ràng chúng ta đang không “thiết tha” gì với Lịch sử?

- Không hẳn như vậy. Nhiều lần ra nước ngoài, tôi đã rất cảm động vì chứng kiến những gia đình Việt kiều dạy con họ học Lịch sử bằng cách kể chuyện để con em mình tự hào là người VN. Tuy xa đất nước nhưng từng gia đình đều mong muốn con em họ không quên dòng máu Việt vẫn đang chảy trong từng huyết quản con em họ. Chúng ta phải cung cấp cho bà con Việt kiều những cuốn sách hay và phù hợp với tuổi nhỏ.

Nhìn vào tỉ lệ các thí sinh chọn môn Sử là môn thi trong 4 môn kì thi THPT quốc gia vừa rồi chỉ chiếm 15,3%, một con số rất nhỏ. GS nghĩ gì về con số này, đây có phải là điều mà GS đang băn khoăn?

- Đúng vậy, rõ ràng con số này rất thấp. Điều tôi băn khoăn chính là ở nước ta đang xảy ra tình trạng “thi gì học nấy” chứ không phải như phần lớn các nước khác là “học gì thi nấy”. Kì thi THPT quốc gia thi 4 môn, 3 môn chính là Toán – Văn – Ngoại ngữ, còn lại một môn tự chọn. Rõ ràng chúng ta coi các môn học sinh không chọn sẽ là môn phụ với họ.

Các em sẽ học lệch ngay từ lớp 6 nếu chúng ta không thực hiện kiểm tra thường xuyên và ghi học bạ một cách nghiêm chỉnh. Giáo viên các môn phụ làm sao hứng thú giảng dạy khi các em đã định hướng quá sớm về môn thứ tư sẽ tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tôi thiết tha đề nghị nghiên cứu kiểu thi kiểm tra kiến thức toàn diện như ĐHQG Hà Nội vừa làm thí điểm. Học sinh chỉ cần thi một ngày là xong, kiến thức mọi môn đến đâu đều có thể phản ánh khá chính xác. Tất nhiên cần trang bị máy tính để có thể triển khai rộng rãi.

Chắc là ta phải làm dần dần nhưng cần coi cách thi này là hợp lý nhất và tránh được mọi chuyện học thêm, học lệch như phương án thi tốt nghiệp với 4 môn hiện nay. Việc lấy 50% điểm tổng kết năm học cũng cần nghiêm túc xem xét lại vì không có kiểm tra thường xuyên, không có học bạ trung thực thì lấy đâu ra những điểm tổng kết chính xác và công bằng cho mọi thí sinh.

Tôi hay được đi đến các trường THCS, THPT để nói chuyện chuyên đề về Kỹ năng sống. Trong những chuyến đi này tôi thấy các em rất thích thú. Thích thú vì đây là những tiết học ngoài giờ, gần gũi và vui vẻ. Chúng ta đừng bao giờ rao giảng đạo đức mà nên kể chuyện, nên đối thoại dân chủ và thẳng thắng với các em.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nên kiểm tra kiến thức toàn diện như ĐH Quốc gia đã làm