Nền kinh tế Việt Nam trong quý II đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực, với mức tăng trưởng 6,17%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5,78%).
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Vepr phát biểu.
Tăng trưởng 2 quý tiếp theo của năm 2017 sẽ ở mức 6,7% và 7,0%, đưa tăng trưởng cả năm lên mức 6,4%. Đó là nhận định được đưa ra tại báo cáo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II-2017 vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Vepr) công bố chiều ngày 10/7 tại Hà Nội.
Báo cáo cho biết, trong bối cảnh phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam trong quý II đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực, với mức tăng trưởng 6,17%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5,78%). Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5,73%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Vepr, dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng tốt được cho là động lực chính đóng góp vào sự phục hồi trong quý II khi đạt đạt mức tăng 2,01% trong nửa đầu năm 2017.
Tăng trưởng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp trong nửa đầu năm đạt 2,65%, thậm chí cao hơn mức tăng 2,22% của năm 2015. Riêng ngành thủy sản tăng trưởng mạnh nhờ những thuận lợi về cả thời tiết và giá cả.
Đặc biệt, các chỉ số sản xuất công nghiệp cải thiện rõ rệt trong quý II. Chỉ số VEPI cũng tăng nhẹ lên mức 6,0% trong quý II. Doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng cũng như vốn đăng ký trung bình.
“Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đáng kể, cùng với sự suy giảm trong số lượng lao động khu vực công nghiệp cũng như tổng số việc làm tạo mới phần nào cho thấy thành quả của tăng trưởng không đến từ khu vực nội địa, mà có thể đang lệ thuộc vào một số doanh nghiệp FDI lớn”, TS Nguyễn Đức Thành nhận định.
Chỉ số lạm phát quý II tiếp tục lao dốc. CPI tháng 6 chỉ đạt 2,54% so với cùng kỳ năm trước và 0,2% so với năm 2016.
Báo cáo cũng chỉ rõ, bội chi Ngân sách Nhà nước giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm, đạt mức 32.500 tỷ đồng so với 89.200 tỷ đồng năm 2016. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thuộc Vepr, sự cải thiện này lại bắt nguồn từ thực trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Trong khi đó, chi thường xuyên và chi trả nợ tiếp tục tăng cao gây áp lực lên cán cân ngân sách cũng như nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển.
Theo khuyến cáo của Vepr, đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô… có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách.
“Đã đến lúc nên đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng một cách rất thực tế, là mức tăng trưởng chung, dù cao, có phản ánh thực lực của nền kinh tế hay không”.