Hôm nay, ngày 19/11, vào lúc 20h, Lễ Tưởng niệm những người tử vong vì Covid-19 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất và các quận, huyện, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Cùng giờ, tại điểm cầu Hà Nội, Lễ Tưởng niệm được tổ chức tại công viên Thống Nhất.
Tại TP HCM, các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) cùng đánh chuông; các tàu, thuyền, sà lan... đang lưu đậu tại cảng kéo còi và người dân tắt đèn, thắp nến để cùng tưởng niệm những người đồng bào của chúng ta đã bị dịch Covid-19 lấy đi cuộc sống. Hoa đăng tiễn biệt thả trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé của TP HCM, địa phương có nhiều người thiệt mạng nhất trong dịch Covid-19.
Tính đến ngày 16/11, cả nước có hơn 23.000 trường hợp tử vong do Covid-19, riêng TP HCM có 17.263 người tử vong, chiếm 74% số ca tử vong cả nước. Trong đó, có 38 trẻ em và 62 phụ nữ có thai đã không qua khỏi đại dịch này.
Kể từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Tính đến nay, nước ta cũng đã phải đương đầu với 4 lần dịch Covid-19 bùng phát. Nhất là trong lần bùng phát thứ tư, tính từ ngày 27/4/2021, dịch bệnh đã hoành hành khắp từ Nam chí Bắc, mà TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An rồi tiếp đó là các tỉnh thành Tây Nam bộ đã phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề.
Tới nay, trong cả nước, hơn 1 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, và thật đau buồn khi có tới hơn 23.000 người đã không qua khỏi. Phòng, chống dịch, cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân đồng lòng chung sức, mỗi người dân là một chiến sĩ trên pháo đài dập dịch. Đất nước đã làm tất cả để chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân. Các thầy thuốc quên ăn, quên ngủ lo cho người bệnh. Nhiều bác sĩ tuổi cao đã nghỉ hưu, nhiều sinh viên các trường Y Dược tình nguyện lên tuyến đầu dập dịch. Bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyên điều trị Covid-19, các bệnh viện “tách đôi” tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 có ở khắp mọi nơi. Cả bộ đội, công an cũng vào cuộc lo cho dân, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân. Nhân dân chấp nhận khó khăn, bất tiện trong cuộc sống để thực hiện cách ly, phong tỏa nhằm chặn đường lây lan của dịch.
Nhưng dịch dã quá nguy hiểm, quá dữ dội và khủng khiếp không có tiền lệ nên sự mất mát vẫn thật to lớn. Khi dịch bùng phát dữ dội, mỗi ngày lại là một ngày âu lo đau buồn khi cơ quan chức năng cho biết số ca nhiễm mới và nhất là số người tử vong.
Hôm nay, Lễ Tưởng niệm những người tử vong vì Covid-19, là thời khắc để chúng ta cùng tưởng nhớ những người không may đã bị dịch bệnh cướp đi cuộc sống. Đất nước đã làm tất cả và những người đồng bào xấu số của chúng ta cũng đã vật lộn hết sức để giữ lại cuộc sống, để ở lại dương thế với những người thân yêu, với chúng ta. Xin được thắp một nén tâm hương tưởng nhớ gửi tới những người đã khuất vì Covid-19, những người đã không được sống trọn tuổi trời cùng với chúng ta.
Lễ Tưởng niệm cũng là lời nhắc nhở với tất cả chúng ta rằng dịch Covid-19 thật hung bạo, không một phút được chủ quan, mất cảnh giác. Cho dù về cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng diễn biến vẫn rất phức tạp. Tất cả các địa phương trong cả nước đều đã có ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Chúng ta đã chuyển chiến lược phòng, chống dịch, từng bước mở cửa an toàn, thích ứng với Covid-19 trong tình hình mới, đó là điều cần thiết để đất nước khôi phục kinh tế, an sinh xã hội. Hầu hết các nguồn lây nhiễm được xác định, kiểm soát nhưng số ca trong cộng đồng vẫn còn nhiều, mà đó chính là ẩn họa.
Sự ra đi của những người mắc Covid-19 chính là lời nhắc nhở của người đã khuất để lại cho chúng ta: Không lúc nào được mất cảnh giác với dịch bệnh. Đó cũng là sự cảnh báo rằng cần phải tập trung xây dựng nền tảng y tế dự phòng thật rộng khắp, thật tốt; Y tế cơ sở phải đủ mạnh để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân ngay từ lúc dịch bệnh chưa bùng phát, chưa lây lan. Những cuộc đời dang dở do Covid-19 ra đi để lại dương thế người thân yêu, bạn bè và cả những ước nguyện chưa thành và cũng để lại cho chúng ta bài học về sự cảnh giác, bài học về xây dựng hệ thống y tế toàn dân.
Xin được thắp nén tâm nhang tiễn biệt!