Nepal đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng tàn khốc không kém gì Ấn Độ - nếu không muốn nói là tồi tệ hơn.
Số ca mắc Covid-19 đang tăng vọt, các bệnh viện thì trong tình trạng quá tải và Thủ tướng Nepal đang cầu xin sự giúp đỡ từ các quốc gia khác. Đất nước của “mái nhà thế giới” - Everest báo cáo hiện cứ 100.000 người lại có khoảng 20 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày - mức tương đương Ấn Độ hai tuần trước.
Cuối tuần trước, 44% các ca xét nghiệm Covid tại Nepal cho kết quả dương tính, theo số liệu của chính phủ do Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) trích dẫn.
Nepal đã báo cáo 3.915 trường hợp nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua, đưa lượng ca nhiễm của nước này lên đến 800.256, Bộ Y tế cho biết.
Số người chết đã tăng lên 10.239 sau khi có 27 trường hợp tử vong liên quan đến Covid được phát hiện cùng thời điểm. Hiện tại, Nepal có 38.798 trường hợp mắc Covid-19 chưa khỏi bệnh.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nepal, TS Netra Prasad Timsina, cho biết: "Những gì đã và đang xảy ra ở Ấn Độ lúc này chính là viễn cảnh kinh hoàng về tương lai của Nepal nếu chúng ta thất bại trong việc ngăn chặn làn sóng Covid mới nhất đang cướp đi sinh mạng của rất nhiều người".
Sự lây lan nhanh chóng của virus đã làm dấy lên lo ngại rằng đất nước này đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng tàn khốc không kém gì Ấn Độ - nếu không muốn nói là tồi tệ hơn.
Nepal có một hệ thống y tế còn nhiều hạn chế và bất cập. Tỷ lệ bác sĩ trên người dân còn ít hơn cả Ấn Độ và tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với nước láng giềng. Số ca dương tính tại quốc gia này cho thấy công cuộc truy vết chưa thực sự hiệu quả và triệt để.
Các sự kiện tổ chức nơi công cộng lớn, bao gồm lễ hội, phiên họp chính trị và đám cưới, đã tạo điều kiện cho dịch bệnh lan rộng, cùng với “ảo tưởng miễn dịch” của công chúng và hành động chậm chạp của Chính phủ trước làn sóng Covid-19 mới.
Chính phủ Nepal đã buộc phải tái áp đặt lệnh phong toả vào cuối tháng 4 ở Thung lũng Kathmandu và các khu vực khác trên cả nước để đối phó với đợt dịch thứ hai xảy ra hồi đầu tháng, một động thái làm gián đoạn quá trình phục hồi kinh tế.
Trong khi công bố chính sách tiền tệ cho năm tài chính 2021-2022 bắt đầu vào giữa tháng 7, Thống đốc Ngân hàng Rastra Nepal Maha Prasad Adhikari đã thông báo tiến hành một số biện pháp cứu trợ, bao gồm gia hạn thời hạn trả nợ, giảm số tiền trả góp, tái cơ cấu và sắp xếp lại thời hạn cho vay và tín dụng với lãi suất rẻ đối với các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khi quá trình phục hồi kinh tế đang bị đảo ngược bởi làn sóng Covid thứ hai.
Nepal đã nhận được lô hàng vaccine Covid-19 đầu tiên - tổng cộng 348.000 liều - được vận chuyển thông qua Cơ chế COVAX vào 7/3/2021, nhằm hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc của Chính phủ Nepal.
Nepal 9/8/2021 đã quyết định tiêm mũi thứ hai cho gần 1,4 triệu người cao tuổi, sau thời gian trì hoãn kéo dài trong nhiều tháng giữa bối cảnh nước láng giềng Ấn Độ ngừng xuất khẩu vaccine do làn sóng Covid-19 tăng cao.
Sau đó, đợt tiêm chủng này đã được mở rộng nhằm tiếp cận đến tất cả mọi người trên 18 tuổi được tiêm 1,6 triệu mũi vaccine Sinopharm do Trung Quốc tài trợ và 1,5 triệu mũi vaccine Johnson & Johnson do Mỹ cung ứng thông qua qua chương trình COVAX quốc tế.
Ngân hàng Trung ương Nepal đã công bố một loạt các biện pháp cứu trợ cho các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khi sự phục hồi kinh tế đang bị đảo ngược bởi làn sóng thứ hai của virus.
Chính phủ Nepal 13/8/2021 đã hoàn tất thỏa thuận với GAVI, Liên minh vaccine, tiếp nhận 4 triệu liều vaccine Moderna. Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Nepal, lượng vaccine này sẽ được nhập khẩu dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới.
Birma, một nhân viên y tế ở Nepal, thường xuyên phải đi bộ hàng giờ lên những ngọn đồi dốc và qua những khe núi sâu để chuyển vaccine đến với người dân ở vùng đất hẻo lánh này. Đây là những nỗ lực đáng kinh ngạc của tổ chức UNICEF nhằm đưa vaccine Covid-19 đến những người dân ở huyện Darchula xa xôi, thuộc khu Mahakali, vùng Viễn Tây Nepal, Nepal.
Vaccine tiêm chủng đã được cung cấp với sự tài trợ của Hoa Kỳ với hơn 1,5 triệu liều thông qua chương trình COVAX. Bên cạnh đó, một phần trong sự hỗ trợ của UNICEF - bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần - các phòng lạnh và tủ lạnh bảo quản vaccine đã được lắp đặt tại các cơ sở khác nhau ở cấp liên bang, tỉnh và địa phương, đồng thời cung cấp các hộp lạnh và thùng chứa vaccine để vận chuyển an toàn đến các điểm tiêm chủng.
Riêng trong năm 2020, UNICEF đã lắp đặt 290 thiết bị dây chuyền lạnh tại các cơ sở khác nhau trên toàn quốc. Cũng có kế hoạch mua sắm và lắp đặt thêm 910 thiết bị để giải quyết những khoảng trống vẫn còn tồn tại trong một số khu vực được chọn. Tất cả những nỗ lực này hiện đang tỏ ra rất quan trọng đối với việc triển khai chiến dịch tiêm chủng Covid-19.
Việc vận chuyển vaccine đến những nơi xa xôi hẻo lánh như Darchula hầu hết dựa vào một "dây chuyền lạnh" hiệu quả, được thiết kế với môi trường được kiểm soát nhiệt độ để lưu trữ, quản lý và vận chuyển vaccine. Kể từ khi bắt đầu các nỗ lực tiêm chủng ở Nepal, UNICEF cùng với các đối tác y tế toàn cầu như Gavi đã hỗ trợ Chính phủ Nepal đánh giá, mở rộng và tăng cường năng lực chuỗi lạnh, để trẻ em và gia đình trên khắp đất nước có thể tiếp cận với cuộc sống và đồng thời tiết kiệm nguồn vaccine.
Sự cô lập về địa lý của Darchula ban đầu dường như có lợi cho nó về khả năng tránh lây nhiễm dịch bệnh, do lượng người ra vào khu vực thấp. Tuy nhiên, khả năng dịch bệnh bùng phát tại đây và nỗi sợ hãi là không tránh khỏi, nhất là khi các cư dân cộng đồng đang làm việc ở các quốc gia như Ấn Độ bắt đầu trở về nhà.
Không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều đã an toàn. Để cung cấp đủ vaccine cho cả thế giới, những quốc gia giàu có nên bắt đầu san sẻ vaccine Covid-19 cho các nước nghèo hơn.