Trải qua nghìn năm sinh tồn, định cư ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, cộng đồng người Dao Khâu vẫn từng ngày hoàn thiện cuộc sống với bản sắc văn hóa riêng. Đặc biệt là nét đẹp người con gái trong sự hài hòa với trang phục.
Dung dị mà tinh hoa
Không sặc sỡ nhiều màu, váy áo cổ tròn của phụ nữ Dao Khâu mang vẻ dung dị, giản đơn nhưng chắt lọc tinh hoa. Áo dài đến chân nhuốm màu chàm truyền thống, có vạt gấp ngược giắt lên dây thắt lưng, nhìn kỹ mới thấy nét thêu tỉ mỉ, có hạt bông khéo léo gắn chặt với hàng cúc màu bạc. Nẹp dọc ngực áo cô gái Dao Khâu đính 7 hào bạc trắng và những tua chỉ màu bã trầu rất bắt mắt. Sau lưng cũng đính chùm đồng bạc có níu hạt cườm. Từ cổ áo xuống lưng có những tua chỉ đỏ, gọi là "mạ phín". Con gái Dao Khâu từ 14 tuổi sẽ được các mẹ gắn "mạ phín" như đánh dấu nét trưởng thành của thiếu nữ, khiến mỗi bước đi và động tác sinh hoạt thêm uyển chuyển, duyên dáng hơn.
Váy và quần phụ nữ Dao Khâu đều có họa tiết rất nhỏ mô tả quang cảnh, chim muông, cỏ cây hoa lá gần gũi thiên nhiên núi rừng.
Đại ngàn Than Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ ở tỉnh Lai Châu là những địa bàn có nhiều người Dao Khâu sinh sống. Sau những cuộc thiên di xa xưa từ phương Bắc đến vùng đất này định cư, người Dao Khâu đại bản, hay còn gọi là Kim Miền, đã trở thành cộng đồng Dao tiêu biểu nhất Việt Nam. Một nét đặc trưng là chiếc khăn quấn trên đầu phụ nữ Kim Miền giống như chiếc sừng, tiếng Thái gọi là "khâu", nên nhóm Dao này có tên gọi Dao Khâu. Khăn quấn đầu là nét nhấn thú vị, duyên dáng gần tựa phụ nữ miền xuôi thuở xưa đội khăn mỏ quạ. Khăn màu đen quấn bám chặt để làm nương không bung rơi, tạo nên hình tam giác khéo léo, lại ôm vừa khít mái tóc khiến gương mặt tròn trắng mịn xinh xắn của cô gái càng thon đẹp. Người miền xuôi khi lên phiên chợ vùng cao rất dễ nhận ra con gái Dao Khâu nhờ chiếc khăn độc đáo thấp thoáng chốn đông người.
Trên con đường bê tông dẫn vào các bản ở Tầm Choong, Tả Phìn hay Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ), ở Phúc Than (huyện Than Uyên), có thể bắt gặp ngay những bà cao tuổi Dao Khâu đang ngồi thêu vá bên bậu cửa gỗ căn nhà trình tường, bên cạnh vài em gái nhỏ đang được bà chỉ từng nét khâu. Bây giờ quần áo may sẵn bán nhiều ngoài chợ, nhưng phụ nữ Dao Khâu vẫn tự may vá áo quần.
Con gái Dao Khâu thuở nhỏ đã được mẹ dạy thêu thùa nên rất thạo đường tơ nét sợi. Cái nết chăm chỉ của cô gái Dao Khâu cũng từ khâu thêu mà thành, luôn tay bận bịu, tranh thủ may vá áo quần cho chồng con và cho chính mình. Ngày lễ hội, phụ nữ Dao Khâu trưng diện bộ váy áo đẹp nhất, đeo nhiều vòng tay, vòng cổ, hoa tai, xà tích bằng bạc, và trở nên rất đặc biệt khi luôn cầm tay một chiếc chuông đồng nhỏ. Đó là nhạc cụ độc đáo cho cô gái Dao Khâu diễn xướng, múa hát những làn đồng dao hay nghi lễ của dân tộc mình. Điệu múa chuông linh thiêng vốn có của người Dao không bao giờ thiếu trong các nghi lễ quan trọng như Tết nhảy (tạ ơn tổ tiên), Lập tịnh (cấp sắc cho người trưởng thành), hay Tết thanh minh, Tết cầu mùa. Tiếng chuông nhịp nhàng phát ra từ tay cô gái Dao Khâu thùy mị mà rất sinh động, đẹp mắt, phấn khởi và vui tươi, rộn ràng và khỏe khoắn, luôn khiến người xem mê hoặc.
Giữ hồn bản sắc
Con gái Dao Khâu biết gói bánh chưng nếp đen, biết hái lá làm thuốc tắm chữa bệnh cũng giống như những cô gái Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao tiền... Tuần Văn hóa Du lịch thành phố Lai Châu 2023 với chủ đề "Khát vọng vươn xa" vừa mới khép lại nhưng không khí của những ngày hội đúng dịp Tết Độc lập dường như còn lan tỏa khắp vùng Tây Bắc. Hội tụ sự kiện ở nơi có 17 dân tộc anh em chung sống là những gian hàng trưng bày, hương vị đặc sản núi rừng, sắc màu váy áo thổ cẩm, tiếng khèn, tiếng chuông, trò chơi dân gian... để lại ấn tượng đặc sắc, lôi cuốn, và riêng có những giá trị văn hóa dân tộc. Ấn tượng nhất phải kể đến màn trình diễn trích đoạn rước dâu của người Dao Khâu, toát lên toàn diện vẻ đẹp của phụ nữ cộng đồng này.
Con gái Dao Khâu đến tuổi gả chồng, được một chàng trai ưng ý và có người mai mối, sẽ có thầy cúng coi ngày sinh tháng đẻ mà định ra ngày nhà trai mang lễ vật đến ăn hỏi. Sau lễ này, các bà các mẹ nhà gái tập trung thêu thùa váy áo cho cô gái đợi buổi đám cưới rước dâu.
Ngày cưới, cô dâu Dao Khâu váy áo lộng lẫy, trên người thắt vải đỏ và đội khăn đỏ. Đoàn nhà trai có trống kèn vui nhộn, thể hiện trân trọng, chăm sóc đoàn nhà gái suốt dọc đường đưa dâu. Khi dâu về đến cổng, trước khi bước vào nhà chồng, nhà trai chọn một phụ nữ có chồng con, đời sống ấm áp, hạnh phúc để dắt tay cô dâu vào nhà. Cô dâu sẽ bước vào ngưỡng cửa bằng chân trái như được cài thêm duyên may mắn sẽ mãi mãi hạnh phúc, đời sống thuận vợ thuận chồng. Sau đó cô dâu được dắt tay đến quỳ trước bàn thờ gia tiên và được thầy cúng làm lễ Pái tòng (bái đường). Thầy làm phép vào một chén rượu, đảo qua đảo lại, rồi vắt chéo tay đưa cô dâu và chú rể uống hai lần. Uống hết chén rượu để có một cuộc sống gắn bó, có trách nhiệm bên nhau, yêu thương bền chặt, không bao giờ ly tán. Hai ông mối của hai gia đình cũng làm lễ cảm tạ nhau, cam kết dạy bảo con cháu đôi bên ăn ở tử tế...
Một nghi lễ đón dâu cầu kỳ nhưng là phong tục rất đẹp của người Dao Khâu dường như giống một lá bùa giữ chặt tình cảm vợ chồng. Ấy cũng là cái nhẽ giải thích vì sao hiếm hoi xảy ra một vụ li hôn trong cộng đồng Dao Khâu bấy nay.
Tuần Văn hóa Du lịch thành phố Lai Châu 2023 với chủ đề "Khát vọng vươn xa" đã khép lại nhưng không khí của những ngày hội dường như còn lan tỏa khắp vùng Tây Bắc. Hội tụ sự kiện ở nơi có 17 dân tộc anh em chung sống là những gian hàng trưng bày, hương vị đặc sản núi rừng, sắc màu váy áo thổ cẩm, tiếng khèn, tiếng chuông, trò chơi dân gian... Ấn tượng nhất phải kể đến màn trình diễn trích đoạn rước dâu của người Dao Khâu, toát lên toàn diện vẻ đẹp của phụ nữ cộng đồng này.