Sau nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đem đến cho công chúng một không gian lịch sử vừa gần gũi vừa thiêng liêng với hàng trăm hiện vật sơn son thiếp vàng được trưng bày tại Triển lãm Nét vàng son diễn ra từ ngày 20/6 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.
Đến với trưng bày, công chúng có cơ hội được thưởng lãm gần 100 tài liệu, hiện vật đồ gỗ sơn thếp, trong đó có những hiện vật độc đáo, quý hiếm lần đầu tiên được ra mắt. Các hiện vật được giới thiệu có niên đại từ thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XX, giai đoạn phát triển rực rỡ của nghề làm đồ sơn và sơn son thếp vàng.
Những hiện vật đưa ra trưng bày khá phong phú và đa dạng về kiểu dáng, hoa văn trang trí với kỹ thuật chế tác riêng, được lựa chọn từ bộ sưu tập đồ gỗ sơn thếp đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản trong nhiều năm qua.
Trưng bày Nét vàng son – Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng được thể hiện theo dạng tổ hợp – nhóm các hiện vật liên quan trong các không gian thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng kết hợp trưng bày theo loại hình, kiểu dáng, chức năng. Các hiện vật là tượng thờ gồm: tượng Tam Thế phật, tượng phật A Di Đà, tượng Quan Âm, tượng Thích ca sơ sinh, tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng Hậu… Các hiện vật là đồ thờ như: hương án, khám thờ, ngai thờ, sập thờ, bài vị, hộp đựng sắc phong, bình, lọ hoa, lỗ bộ, hoành phi câu đối…
Ngoài ra, trưng bày cũng giới thiệu một số hình ảnh liên quan đến nghề làm đồ sơn son thếp vàng.
Với nét chạm khắc tinh xảo, sắc đỏ của sơn, ánh sáng của vàng cùng những đề tài trang trí sinh động mang ý nghĩa tốt lành, cao quý, đồ gỗ sơn thếp được gắn với những nơi tôn nghiêm, trang trọng chốn cung đình hay nơi thờ tự và trở thành những tác phẩm nghệ thuật, những vật quý giá, linh thiêng…
Đồ gỗ sơn thếp không chỉ thể hiện quan niệm nhân sinh, tư duy thẩm mỹ, bàn tay tài hoa của cha ông mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử, nghệ thuật, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng.
Tuy nhiên, việc bảo tồn loại hình di sản này hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức vì gỗ là vật liệu hữu cơ dễ bị tổn thương dưới tác động của thời tiết, và việc tu sửa, phục chế theo phương pháp cổ truyền đòi hỏi đầu tư rất lớn. Còn nếu phục chế theo công nghệ sơn hiện đại sẽ làm mất đi hồn cốt hiện vật, cũng như giá trị văn hóa dân tộc.
Theo chia sẻ từ Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức: Khi xem triển lãm lần này, cảm xúc đầu tiên tôi có là sự nuối tiếc vô cùng lớn với một giá trị văn hóa, những đặc thù rất là Việt đang bị trôi mất và đang có nguy cơ biến mất. Triển lãm lần này rất ý nghĩa, nó muốn đẩy lên một cái giá trị thẩm mỹ của người Việt ở những giai đoạn xưa của cha ông để lại, tạo nên một trách nhiệm của thế hệ trẻ với giá trị xưa kia.
Thông qua trưng bày lần này, công chúng sẽ có cái nhìn sâu sắc và trân trọng những giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, ý nghĩa của đồ gỗ sơn thếp trong đời sống người Việt. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống, tinh hoa văn hóa dân tộc.