Dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Sau Hiến pháp, có thể coi đây là một trong những đạo luật quan trọng bậc nhất trong các đạo luật, để giữ vững kỷ cương, xây dựng, phát triển đất nước. Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự hiện nay phải đảm bảo thể hiện tinh thần của Hiến pháp mới, những yêu cầu xã hội đang đặt ra. Vấn đề rất cần những tiếng nói có trách nhiệm, tâm huyết của mọi công dân.
Ảnh minh họa
Có thể nói, mọi vấn đề, nội dung của Bộ luật Hình sự đều liên quan trực tiếp đến cá nhân công dân. Yêu cầu sửa đổi luật không chỉ đáp ứng Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp nói chung mà còn là nhu cầu, yêu cầu của mọi công dân trong đời sống hàng ngày. Trong một xã hội với Nhà nước pháp quyền, mỗi cá nhân phải “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Hiến pháp mới 2013 ra đời, một lần nữa nâng cao về quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Để các quyền của người dân được thực hiện trên thực tế, BLHS cần phải kịp thời chỉnh sửa, từ việc bổ sung, nhấn mạnh về quyền con người đến việc xử lý nghiêm các hành vi xâm hại các quyền con người, quyền cơ bản của công dân...
Với bản chất nhân đạo, hướng thiện, xung quanh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nghị quyết của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết 49/NQ-TƯ) đã nêu rõ phải “đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm”. Đây cũng là nguyện vọng của người dân, phù hợp với xu hướng, hội nhập quốc tế, bản chất nhân đạo truyền thống của dân tộc. Dự thảo sửa đổi cũng đã đề xuất giảm khung hình phạt một số loại tội phạm, như từng dự kiến không áp dụng hình phạt tử hình với tội phạm tham nhũng, vận chuyển ma túy...
Tuy nhiên, như Bộ Tư pháp nêu: “Thực tiễn cho thấy, có lúc, có nơi việc tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội vẫn chưa được tôn trọng một cách đầy đủ và toàn diện. Nhìn chung, người dân chưa thực sự cảm thấy an toàn về môi trường sống của mình. Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mất an toàn trong lao động, trong xây dựng, trong khi tham gia giao thông đã đến mức báo động; còn xảy ra những vụ giết người, cướp của hết sức dã man, tàn bạo, gây chấn động trong dư luận và gây tâm lý hoang mang trong một bộ phận nhân dân. Người dân chưa thực sự yên tâm phát huy tính sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tích cực, chủ động tham gia phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật”.
Và như vậy, việc giảm hình phạt theo yêu cầu phát triển là cần thiết, nhưng cần phải cân nhắc, có lộ trình. Không ít ý kiến người dân cho rằng, với thực trạng như hiện nay, không ít tội phạm cần phải có hình phạt mạnh hơn, nghiêm khắc hơn để tăng tính răn đe.
Ngay trong những ngày giữa tháng 7 này, khi người dân được hỏi, lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, cả xã hội đã phải chứng kiến 2 vụ án giết người tàn bạo, dã man. Đó là vụ án mạng gây ra cái chết cho 4 người trong một gia đình ở huyện Tương Dương (Nghệ An), 6 người cùng một gia đình ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Những kẻ thủ ác đúng là rất dã man, tàn bạo. Cùng đó là không ít các vụ án xảy ra ở các vùng quê, kể cả giết người thân. Người dân đã rất hoang mang, mất đi niềm tin vào con người, cảm thấy bất an, không biết tai họa sẽ giáng xuống mình vào lúc nào.
Cũng trong tháng 7 này, TAND tỉnh Bắc Ninh đã dự kiến đưa ra xét xử Tráng A Tàng (Tàng "Keangnam"), một trùm ma túy sinh năm 1982, ở huyện Mộc Châu, Sơn La đã cầm đầu đường dây mua bán hàng ngàn bánh heroin. Lại cũng tháng 7 này, Cơ quan công an đã bắt được Giang Kim Đạt - kẻ bị truy nã trong vụ án tham nhũng tại Công ty TNHH MTV vận tải Vinashin (Vinashinlines). Từ kết quả điều tra được do cơ quan Công an công bố, người dân ngỡ ngàng khi số tiền tham nhũng của Đạt lên đến hàng chục triệu USD và đã được sử dụng để mua hàng chục biệt thự nhà, đất, ô tô, cả ngôi nhà 3,6 triệu USD ở nước ngoài.
Người ta phải đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng này. Nguyên nhân do đạo đức xuống cấp, do ảnh hưởng của văn hóa bạo lực hay do luật pháp chưa đủ sức răn đe? Nếu như giảm hình phạt cho các loại tội nói trên, hóa ra tiếp tay cho tội phạm hoành hành?
Và rồi, người dân đồng tình với ý kiến của Bộ Tư pháp nêu: “Bộ luật Hình sự phải được tiếp tục hoàn thiện để góp phần tạo ra một khung pháp lý để bảo vệ một môi trường sống an lành cho người dân; bảo vệ tốt hơn các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; động viên khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân yên tâm đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát triển kinh tế, sáng tạo khoa học”. Luật sửa đổi phải giải quyết được các tồn tại, khắc phục thực trạng, tình hình tiêu cực tham nhũng, trật tự trị an xã hội.
Nghị quyết của Đảng cũng đã chỉ rõ, phải “xử lý nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác”. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến nhiều tội phạm mới phát sinh trong quá trình vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường như bảo hiểm, thuế, tài chính, chứng khoán, tài nguyên, khoáng sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường…
Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự không chỉ coi trọng ý kiến của các chuyên gia, những người làm luật, mà mọi ý kiến của người dân, từ trong nước đến ở nước ngoài. Như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu, cần đặc biệt coi trọng ý kiến nhân dân, đây là công việc ưu tiên, trọng tâm. Các cơ quan được giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến phải nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp đầy đủ, khoa học...
Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Người dân đồng thời là người làm chủ, cùng xây dựng và tuân theo Hiến pháp, pháp luật. Việc đóng góp ý kiến vào Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng là thể hiện sự làm chủ, trách nhiệm của mỗi công dân.