Tại Việt Nam, tính đến tháng 10/2022, cả nước có 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong.
Đáng lo ngại, từ năm 2020 đến nay, dịch HIV đã có xu hướng gia tăng. Nếu như giai đoạn từ năm 2017 đến 2019, mỗi năm nước ta phát hiện được hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV thì 2 năm qua, mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc xét nghiệm HIV nhưng mỗi năm Việt Nam có hơn 13.000 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo.
Một vấn đề đáng lưu ý đó là xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục. Người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ và nhiễm HIV trong nhóm tuổi trẻ tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2022, có tới 50% số ca nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm tuổi dưới 29 tuổi. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được báo cáo là nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam hiện nay, có những địa phương báo cáo có 60% - 80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm qua là thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Tại buổi lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định: Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Lý giải nguyên nhân, bà Lan cho hay: Trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp, cùng với khó khăn sau đại dịch Covid-19, Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 3 mục tiêu 95-95-95 đó là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Trong 3 mục tiêu đó thì 2 mục tiêu đầu Việt Nam mới chỉ đạt 84% và 79% ở thời điểm cuối năm 2021.
Khẳng định rằng cần huy động mọi người dân, đặc biệt là thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khi Việt Nam muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trung ương và UBND các tỉnh, thành phố căn cứ trên các hành lang pháp lý đã được ban hành và Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, chủ động xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn và từng năm và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đồng thời tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Ngành y tế cần tiếp tục tăng cường, mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng các dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV nhất là dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng virus; người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV.
Hệ thống Đoàn thanh niên các cấp cần tăng cường nâng cao nhận thức cho thanh niên về về sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS cũng như vai trò của thanh niên trong việc đạt được mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS. Mỗi tổ chức đoàn phải có các sáng kiến, các mô hình phòng, chống HIV/AIDS phù hợp, hiệu quả và thân thiện với thanh niên nhất là nhóm thanh niên trẻ và chú ý tới thanh niên trong khu vực trường học, khu công nghiệp.
Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV nhất là dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng virus; người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV.