Nếu chủ quan, dịch sẽ bùng phát

Đ.Trân - M.Quang 22/11/2021 06:00

Tuần qua, tính từ ngày 13 đến ngày 20/11, số ca mắc Covid-19 mới ở nước ta là 74.137 trường hợp - số liệu từ Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19. Số ca mắc mới tăng nhiều so với tuần trước đó, đặc biệt, có ngày ghi nhận hơn 10.000 ca. Số ca mắc mới cũng như số ca tử vong tăng tại một số địa phương. Số F0 trong cộng đồng cũng tăng. Điều đó cho thấy, dù về cơ bản dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Theo nhận định từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19, số ca mắc mới có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước. Tính riêng trong tuần, có tới 35 tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng gia tăng với nhiều ca bệnh không triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan tới người trở về từ vùng dịch.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca bệnh mắc trong cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương (trong tuần qua số mắc cộng đồng tăng tại 35 tỉnh, thành phố) do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch.

Hà Nội cách ly F1 tại nhà là phù hợp với tình hình mới

Tại Hà Nội, số ca mắc cùng nhiều ổ dịch mới tiếp tục được ghi nhận. Gần nhất, ngày 20/11, Hà Nội ghi nhận 217 ca mắc Covid-19 với 106 ca mắc trong cộng đồng. Tính riêng trong tháng 11, Hà Nội đã ghi nhận gần 3.000 ca dương tính với SARS-CoV-2. Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến địa phương này đã áp dụng biện pháp cách ly y tế các trường hợp F1 tại nhà, trừ 4 quận nội thành Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã có văn bản hướng dẫn về cách ly tại nhà, hướng dẫn chính quyền địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, y tế cơ sở kiểm tra, rà soát.

“Trước đây, các trường hợp F1 được đưa đi cách ly tập trung, nhưng hiện nay, công tác cách ly F1 sẽ linh hoạt hơn để phù hợp với tình hình thực tế. Việc cách ly F1 tại nhà sẽ giảm gánh nặng cho cơ quan y tế trong trường hợp F0, F1 gia tăng. Mặc dù thành phố đã thực hiện tốt việc cách ly một số trường hợp F1 tại nhà như phụ nữ mang thai, trẻ em…nhưng thời gian tới, để thực hiện tốt công tác này cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và nâng cao ý thức người dân” - bà Hà nói.

Sở Y tế Hà Nội cũng nhận định, thời tiết đang dần chuyển lạnh, đây là điều kiện lý tưởng cho SARS-CoV-2 phát triển, bởi vậy có thể dự báo số ca bệnh Covid-19 sẽ tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới. Hà Nội đã xây dựng kịch bản ứng phó khi có 100.000 ca bệnh.

Trao đổi về việc thực hiện cách ly F1 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội thực hiện cách ly F1 tại nhà là phù hợp với tình hình. Bên cạnh đó, người dân cách ly tại nhà với sự giám sát của tổ dân phố, Tổ Covid cộng đồng sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm, ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch.

Còn BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương thì cho rằng, việc Hà Nội có những thay đổi trong việc cách ly F1 tại nhà là hoàn toàn bình thường. Bởi lẽ công tác chống dịch cần phải linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế - về số ca mắc mới, về năng lực y tế của địa phương. Trước đó, Hà Nội đánh giá thành phố có đủ điều kiện để thực hiện cách ly tập trung nên chưa thực hiện cách ly F1 tại nhà cũng là phù hợp với thực tế.

Lực lượng chức năng nhắc nhở người dân tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Ảnh: Quang Vinh.

Không thể phòng, chống dịch một cách hình thức

Nhiều biện pháp phòng, chống dịch đã được đưa ra áp dụng, nhưng các chuyên gia cũng nhận định, những biện pháp này sẽ không phát huy được tác dụng nếu không có sự phối hợp và ý thức chấp hành của người dân. Từ việc thực hiện các biện pháp 5K cho tới việc cách ly F1 tại nhà.

Theo ghi nhận của PV, tại nhiều hàng quán trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc thực hiện quét mã QR đối với khách hàng chỉ còn mang tính hình thức.

Tại một quán cà phê ở phường Ngọc Hà, mặc dù mã QR được dán ở vị trí rất bắt mắt, nhưng từ khách hàng tới nhân viên đều “lờ” đi việc quét mã. Điều tương tự cũng diễn ra ở khá nhiều hàng ăn uống khác.

Tại nhà hàng Duyên Quán, đường Trung Yên 3, quận Cầu Giấy, một khách hàng phân trần: “Tôi đến cửa hàng nhưng không thấy nhân viên nhắc nhở quét mã nên cũng quên”. Điều tương tự cũng xảy ra tại khá nhiều hàng quán trên địa bàn phường Trung Hòa. Ghi nhận nhiều cửa hàng bán quần áo, đồ dùng trên các phố La Thành, Hàng Mã… việc khách hàng thực hiện quét mã QR cũng không được thực hiện nghiêm túc.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng khuyến cáo, khi mà trẻ em chưa được tiêm vaccine, người cao tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi, cộng đồng vẫn phải chú ý thực hiện nghiêm 5K - khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế vì dịch diễn biến phức tạp, khó lường, chỉ lơ là một chút, xử lý chậm một nhịp trong việc phát hiện, truy vết, cách ly người bệnh cũng như phong toả ổ dịch, thì dịch có thể bùng lên.

BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên PGĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Cẩn thận khi tiếp xúc để tránh mang mầm bệnh về gia đình

Mặc dù tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở những người tiêm đủ 2 mũi vaccine giảm mạnh, nhưng vẫn có trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, nguy cơ tử vong vẫn đến với người già, người có bệnh nền và trẻ nhỏ. Bởi vậy, vẫn không thể lơ là phòng, chống dịch. Đặc biệt là người trẻ tuổi, với đặc thù tiếp xúc với bên ngoài nhiều thì cần thận trọng, tránh mang mầm bệnh về lây lan cho người thân trong gia đình. Mặt khác, nếu người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, trong quá trình đi lại có thể sẽ khiến dịch lây lan tới những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao, hậu quả là dịch bệnh bùng phát, cơ sở y tế không đáp ứng được nhu cầu điều trị thì số người tử vong cũng sẽ tăng cao.

BS Lê Công Tước, GĐ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang: Tâm lý chủ quan xuất hiện ở những người đã tiêm 2 mũi vaccine

Việc chuyển đổi trạng thái sang bình thường mới để phát triển kinh tế xã hội có nghĩa là chúng ta đã chấp nhận chung sống an toàn với Covid-19, số ca mắc mới có thể tăng, nhưng với việc bao phủ vaccine thì số ca chuyển nặng, số ca tử vong sẽ giảm. Có thể nói, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, tâm lý chủ quan ở một bộ phận người dân đã xuất hiện. Nhất là ở những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19, thậm chí có người cho rằng tiêm đủ vaccine nghĩa là đã phòng ngừa hoàn toàn được SARS-CoV-2. Đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm và nguy hiểm. Thời gian tới, chúng ta vẫn không thể chủ quan, lơ là trước dịch Covid-19, bởi lẽ tại nhiều địa phương, dịch bệnh đang có nguy cơ tăng mạnh trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nếu chủ quan, dịch sẽ bùng phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO