Hà Nội đang từng bước thực hiện quá trình nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Không khó để nhận ra niềm vui của người dân trong những ngày này. Tuy nhiên, đi kèm với đó, một bộ phận người dân cũng đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan trước dịch Covid-19.
24 giờ, xử phạt vi phạm phòng, chống dịch 272 triệu đồng
Sau khi 19 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội được nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội, đường phố bắt đầu đông đúc trở lại. Cùng với việc các cửa hàng được phép bán mang về, tại không ít nơi ghi nhận tình trạng người dân tập trung đông người xếp hàng tại các hàng ăn, quán uống. Mặc dù theo một vài người dân, họ tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khi xếp hàng mua đồ, nhưng cũng có phản ánh về lơ là phòng, chống dịch.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, từ 15h ngày 18/9 đến 15h ngày 19/9/2021, lực lượng chức năng đã xử phạt 192 vụ vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19, với số tiền 272 triệu đồng. Hành vi vi phạm phổ biến bao gồm: Ra ngoài khi không thực sự cần thiết; Không đeo khẩu trang nơi công cộng; Không giữ khoảng cách khi tiếp xúc; Vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định…
Thực tế thì tại những con phố chính, đông người qua lại, người dân chấp hành quy định phòng, chống dịch khá bài bản. Tuy nhiên, tại những con ngõ nhỏ, tâm lý lơ là dịch bệnh đã xuất hiện. Ghi nhận tại một ngõ trên đường Xuân La, không khó để nhận ra vài người dân đã bắt đầu tụ tập chuyện trò trên những chiếc ghế đá vỉa hè trong tình trạng không hề đeo khẩu trang. “Tiêm vaccine rồi sợ gì nữa” - một người được hỏi cho biết như vậy.
Dịch bệnh nguy hiểm, vẫn có người coi như không
PV Báo Đại Đoàn Kết đã ghi nhận nhiều trường hợp người dân tới khu vực quanh Hồ Tây để tập thể dục, hóng mát hay chụp ảnh, mặc dù vẫn còn biển cấm và được lực lượng chức năng nhắc nhở nhiều lần.
Khi vừa chứng kiến hai người đứng nói chuyện bên lề đường mà không đeo khẩu trang, chị Phạm Thị Bích Thủy (Tây Hồ) không giấu nổi sự bất bình, lo lắng: “Tôi cũng theo dõi báo đài nhiều, cũng biết virus lần này là chủng mới, lây lan rất nhanh, đứng nói chuyện như vậy là có thể lây lan dịch cho nhau rồi, mà mỗi người đều còn có gia đình, người thân của mình nữa. Mất bao lâu mới được nới lỏng trở lại, giờ vì sự lơ là của một số người mà dịch lại bùng phát lên, rồi lại giãn cách thì những người khác sống thế nào? Tôi nghĩ, tâm lý lơ là phòng dịch như vậy là không chấp nhận được, vì dịch bệnh cũng đã xuất hiện 2 năm nay rồi, mọi biện pháp cần thực hiện thì đều đã được nói rất nhiều lần, dịch nguy hiểm như vậy mà có những người vẫn coi như không”.
Ở một góc nhìn khác, anh Vũ Hồng Cường (Long Biên) bày tỏ: “Nhiều người cho rằng tiêm vaccine rồi là có thể yên tâm, nhưng tôi cho rằng, chính tâm lý chủ quan đó lại có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Như tôi tìm hiểu trên báo chí, kể cả tiêm đủ 2 mũi vaccine cũng không đồng nghĩa với việc sẽ không bị lây nhiễm dịch bệnh mà chỉ là giảm bớt nguy cơ và giảm diễn biến nặng của bệnh. Bên cạnh đó, người lớn được tiêm rồi nhưng trẻ con thì sao? Nếu dịch bệnh lại bùng phát, có lẽ người lớn được tiêm rồi, yên tâm rồi nhưng trẻ con sẽ có nguy cơ là nạn nhân của Covid-19. Theo tôi, nếu suy nghĩ theo hướng đó thì các trường hợp vi phạm, lơ là chống dịch còn cần phạt nặng hơn nữa để tất cả người dân đều nghiêm túc chấp hành”.
Cần nhớ: Dịch vẫn ở trong cộng đồng
Thông tin từ UBND thành phố, Hà Nội đã đạt được nhiều thành công trong phòng, chống dịch với những biện pháp được áp dụng linh hoạt, kịp thời. Tuy vậy, để tiếp tục giữ vững, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh, sớm chuyển sang trạng thái bình thường mới cần sự đồng lòng, tinh thần tự giác của tất cả người dân.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, cần phải hiểu đúng về trạng thái bình thường mới. Trong số những điểm đặc trưng của “bình thường mới”, tính an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt là với hoạt động sản xuất kinh doanh, mục tiêu phải song hành là vừa hiệu quả vừa an toàn.
Để chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới, Bộ Y tế cũng vừa đưa ra khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đề nghị mọi người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh: Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn); Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế; Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo; Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh; Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
Nếu có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị; Tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ nếu trở về từ vùng dịch; Thực hiện khai báo y tế trực tuyến và cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nới lỏng giãn cách là điều kiện cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường, trong trạng thái mới. Và trong trạng thái vừa chống dịch nhưng vừa lao động sản xuất thì mỗi cá nhân, tập thể đều phải làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn. Trong đó, phải nghiêm túc thực hiện 5K. Nếu chúng ta không thực hiện tốt 5K cũng như các phương pháp bảo vệ cá nhân, trong phòng, chống dịch thì dịch có thể vẫn sẽ bùng phát. Nhất là ở những nơi có mật độ dân tập trung cao, những nơi có người chưa được tiêm chủng, những nơi chúng ta đi lại đông, lao động sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu, những nơi xếp hàng mua sắm... đều có thể bùng, phát dịch.
Đặc biệt, khi sau ngày 21/9 này, nếu Hà Nội nới thêm giãn cách thì sẽ có nhiều người quay lại Hà Nội để làm việc, học tập. Trong đó, rất nhiều người có thể chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. “Quan trọng là, chúng ta phải nhớ, dịch vẫn còn ở trong cộng đồng, có cơ hội thì nó sẽ bùng phát. Do vậy, tiêm vaccine, thực hiện tốt 5K ở thời điểm này vẫn là biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống dịch Covid-19” - ông Nga nói.
Luật sư Lại Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH LLA Legal: Người không khai báo y tế có thể bị xử lý hình sự
Khuôn khổ pháp lý hiện hành đã có đủ các quy định để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chủ yếu, điển hình liên quan công tác phòng, chống dịch. Theo đó: Vi phạm ở mức độ nhẹ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Ở mức độ nặng, gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng lớn tới công tác phòng, chống dịch thì có thể bị truy tố, xử lý trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo các quy định trên, nếu không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài không cần thiết bị phạt tiền tối đa đến 3.000.000 đồng. Người che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh Covid-19 của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh Covid-19 thì bị phạt tiền tối đa 20.000.000 đồng. Người trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp lây truyền dịch bệnh cho người khác (mức phạt tù tối đa đến 12 năm);
Người nào không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác, thì cũng có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.