Trong giai đoạn chuyển giao giữa chương trình cũ và mới, không ít học sinh và phụ huynh lo lắng, nếu không may trượt tốt nghiệp THPT thì thí sinh sẽ dự thi với khóa đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thế nào?
Học sinh lớp 12 đang bước vào giai đoạn nước rút chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2023.
Căng thẳng, thèm ngủ là trạng thái chung của nhiều em ở thời điểm này. Sức học ở mức trung bình nên em Trịnh Minh Châu, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) dành toàn bộ thời gian trống dồn sức ôn tập, luyện đề thi của các năm trước. “Áp lực thi cử khiến em mất ăn mất ngủ”, Minh Châu nói.
Tương tự, em Lê Phương Anh, học sinh Trường THPT May (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, “giấc ngủ” là thứ khá xa xỉ với em thời điểm này. Ngoài thi tốt nghiệp THPT, Phương Anh còn tham gia kỳ thi đánh giá năng lực để thử sức và tăng cơ hội trúng tuyển đại học nên áp lực còn gia tăng gấp nhiều lần.
Đồng hành cùng học trò trong suốt quá trình học tập, thầy Vũ Công Tuyển - Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT May, Hà Nội cho hay, dù ở kỳ thi nào học sinh cũng cần phải có vốn kiến thức nền. Điều các em cần là biết cách áp dụng kiến thức khác nhau vào bài thi.
Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Học sinh dựa theo chương trình và sử dụng sách giáo khoa là tài liệu chính để ôn tập. Trong giai đoạn ôn tập, học sinh cần được hướng dẫn và chủ động hệ thống kiến thức, nắm vững về nội dung và kỹ năng trả lời câu hỏi, bài tập vận dụng các kiến thức đó theo yêu cầu của chương trình môn học.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ là kỳ thi cuối cùng dành cho học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Theo thống kê của Bộ GDĐT, số học sinh không đỗ tốt nghiệp hằng năm là hơn 1.000 em.
Thế nên, không ít học sinh và phụ huynh lo lắng, nếu không may trượt tốt nghiệp THPT thì các em sẽ thi lại với khóa đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như thế nào. Bởi từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ gồm 4 môn bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học - công nghệ.
Trong khi đó, học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 hiện nay thi tốt nghiệp với 3 bài thi bắt buộc, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; chọn một trong 2 bài tổ hợp khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Ông Lê Việt Dương – Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) so sánh, thuận lợi là các môn thi theo chương trình mới đều có trong chương trình hiện tại, trừ môn Giáo dục kinh tế và pháp luật. Tuy nhiên, đây là môn thi tự chọn, học sinh không cần quá lo lắng.
Để chủ động phương án từ sớm, nhiều phụ huynh, học sinh cho rằng, ngay sau khi chốt phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, Bộ GDĐT cần sớm công bố đề thi minh họa sớm nhất có thể.
Em Trần Ngọc Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp không may trượt tốt nghiệp, học sinh có thể sử dụng đề thi minh họa là tài liệu tham khảo để tự học, bổ túc kiến thức phù hợp và có thể phần nào hình dung cấu trúc đề thi để tập dượt.
Liên quan đến nội dung này, nhiều giáo viên đều có chung đề nghị Bộ GDĐT sớm có phương án và hướng dẫn các địa phương về công tác tổ chức dạy học, ôn tập cũng như định hướng thi cử. Với những học sinh không đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, Bộ cần có hướng dẫn các nhà trường trong việc tổ chức ôn tập, bổ trợ kiến thức, kỹ năng để đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp chung với lứa học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Theo Bộ GDĐT, để phù hợp với Chương trình GDPT 2018, ngân hàng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực. Bộ cần phải chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 17 môn, trong đó ba môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và Tin học lần đầu tiên xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.
Bên cạnh đó, đến năm 2024 mới có sách giáo khoa lớp 12 và với nhiều bộ khác nhau nên công tác chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi sẽ gặp áp lực về thời gian. Vì vậy, cần phải huy động nguồn lực lớn để ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi trong tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.