Chiều 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 8/2021).
Xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch để lừa đảo
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết: Cử tri và nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội và sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Chính phủ, bộ ngành quan tâm chỉ đạo xử lý nghiêm minh các trường hợp lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân thông qua việc bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và các vật tư, y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất và chia sẻ video trên mạng xã hội có nội dung không đúng sự thật về công tác phòng, chống dịch, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng.
Theo ông Bình, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và tổng hợp được 334 kiến nghị cử tri của 23 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi đến. Căn cứ vào Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện đã tổng hợp, phân loại và chuyển 807 kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, đã có 807/807 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV được giải quyết, trả lời, đạt 100%.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, theo kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư của Đoàn đại biểu Quốc hội thì trong 359 đơn đủ điều kiện đã chuyển cho cơ quan chức năng 263 đơn, nhưng chỉ nhận được 49 đơn trả lời. Đây là con số quá thấp. Do đó cần nêu lý do tại sao kết quả giải quyết lại thấp? Đồng thời cần chỉ ra “địa chỉ”, nêu tên các bộ, ngành trả lời thiếu trách nhiệm hoặc trả lời chậm để rút kinh nghiệm”-ông Tới nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong tháng 9 cần rà soát kỹ hơn các khiếu nại tố cáo qua kênh Quốc hội và các vụ việc đại biểu Quốc hội quan tâm. Hiện việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan chức năng còn chậm, do vậy cần phải được giám sát. Bên cạnh đó, xem vụ việc nào nổi cộm điển hình có tính chất phức tạp kéo dài thì yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết trả lời sớm và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội việc giải quyết.
Tổ chức phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, hiện nay các đạo luật về tố tụng tư pháp (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Thực tiễn thời gian qua, một số Tòa án khi tổ chức các phiên tòa hình sự có nhiều người tham gia tố tụng đã cho Luật sư, bị hại, người làm chứng tham gia phiên tòa tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử.
“Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi sớm có giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả việc đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh an toàn”-ông Tuệ nói và cho rằng tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định.
Trước vấn đề trên, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến và nhận thấy đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức phiên tòa trực tuyến phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án.
Theo bà Nga, đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao kịp thời đáp ứng yêu cầu của hoạt động xét xử trong tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến rất phức tạp hiện nay. Do đó, đòi hỏi cần có ngay giải pháp để bảo đảm công tác xét xử bình thường của Tòa án; bảo đảm việc đưa ra xét xử các loại vụ án đúng thời hạn do pháp luật quy định; bảo đảm thi hành Hiến pháp 2013; kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân của bị can, bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự; góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội và đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cũng đã được nhiều nước áp dụng và nước ta cũng đã cam kết thực hiện xây dựng Tòa án điện tử tại Hội đồng Chánh án Tòa án tối cao các nước châu Á-Thái Bình Dương.