Nếu thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh có vi phạm chắc chắn sẽ bị thay đổi theo quy định của Đảng để bảo bảo quy định của Đảng sẽ được thực thi nghiêm túc, đúng đắn.
Chiều 17/8, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực (PCTN TC).
Trả lời báo chí liên quan đến việc cán bộ làm công tác PCTNTC tại địa phương phải nêu gương nhưng vừa qua có Trưởng ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh vi phạm như trường hợp Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng vừa được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận, vậy có giải pháp nào tránh việc chọn rồi mới phát hiện vi phạm?, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, quy định thành lập Ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh được nghiên cứu đánh giá rất kỹ, rút kinh nghiệm từ 2 thời kỳ và được lấy ý kiến Trung ương, được Trung ương thông qua để phát huy tác dụng. Trường hợp này, trường hợp kia có lỗi phải xem xét, và các đồng chí địa phương tham gia Ban chỉ đao PCTNTC nếu sai phạm thì chắc chắn không được xem xét bố trí. Vì Ban chỉ đạo cấp tỉnh mới triển khai bước đầu nên Ban Chỉ đạo Trung ương đang yêu càu rà soát, đánh giá triển khai bước đầu. Nếu thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh có vi phạm chắc chắn sẽ bị thay đổi theo quy định của Đảng để bảo bảo quy định của Đảng sẽ được thực thi nghiêm túc, đúng đắn.
Trả lời thêm về việc Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật hiện đang làm Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Hải Dương, rồi Phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ Ninh Bình bị kỷ luật cảnh cáo lại có tên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh?, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, Tổng Bí thư đã nhiều lần nói phải lựa chọn những đồng chí thực sự tiêu biểu, gương mẫu, có tình thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tham gia Ban chỉ đạo. Đây là tiêu chuẩn phải là số 1, còn cơ cấu. Không phải vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn về sự gương mẫu, liêm khiết.
“Đối với những đồng chí tham gia vào Ban Chỉ đạo mà bây giờ mới phát hiện sai phạm thì tinh thần là phải xử lý, sai tới đâu xử lý tới đó, sau khi xử lý thì chắc chắn là phải đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo. Tinh thần là sai tới đâu xử lý tới đó. Ban Chỉ đạo cũng nói phát hiện từ sớm, cảnh tỉnh từ xa, còn đã đưa vào Ban Chỉ đạo mà xử lý thì không tốt, không nên. Nhưng bây giờ phải chấp nhận thôi vì tiêu chí xem xét, giới thiệu, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cao như thế là phải qua một quá trình và chúng ta phải thống nhất với nhau rằng những đồng chí giữ cương vị lãnh đạo như thế là đã được xác định phẩm chất đạo đức tốt, hội đủ tiêu chuẩn để giới thiệu, bổ nhiệm, bầu cử vào vị trí như thế. Đến giờ mới phát hiện có vi phạm thì sẽ xem xét xử lý nghiêm”-ông Học nói.
Ông Học cũng nhấn mạnh, quan trọng là chúng ta không bao che, giấu giếm, sai đến đâu xử lý tới đó. Còn người bị đã kỷ luật cảnh cáo nhưng đưa vào làm Phó Ban Chỉ đạo thì sẽ xem lại quyết định, rà lại việc vi phạm và đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh Ninh Bình giải trình về vấn đề này. Trước hết phải có báo cáo của Ban Chỉ đạo Ninh Bình rồi chúng tôi báo cáo lại Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xem có được không về phẩm chất?, tiêu chuẩn có vi phạm gì không. Tôi nghĩ cái này phải xem lại, vì vi phạm tới mức cảnh cáo, chắc chắn đã tiêu cực mà lại cơ cấu lại Phó trưởng Ban Chỉ đạo thì phải xem lại. Sau đó sẽ thông tin tới báo chí.