Nga đạt được gì sau 1 năm không kích ở Syria?

Khánh Duy 01/10/2016 08:30

Cách đây một năm, Moscow quyết định tham gia chiến dịch ở Syria theo lời đề nghị của chính phủ nước này. Bên cạnh việc tiêu diệt hàng nghìn những kẻ thánh chiến, Nga cũng hứng chịu không ít mất mát nhưng đã trở thành một trong những nhân tố chính thức đẩy tiến trình hòa bình ở nước này.

Nga đạt được gì sau 1 năm không kích ở Syria?

Chiến dịch không kích của Nga trên lãnh thổ Syria phần lớn đã hoàn thành sau một năm hoạt động.

Vào ngày 30/9/2015, phi cơ chiến đấu của Nga bắt đầu thực hiện cuộc không kích đầu tiên nhằm vào các mục tiêu khủng bố trên lãnh thổ Syria, tiêu diệt tổ chức phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại các vị trí gần thành phố Homs và Hama.

Vào thời điểm đó, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã hoạt động ở Syria được hơn một năm. Nhưng Nga lại trở thành quốc gia duy nhất nhận được lời đề nghị giúp đỡ chính thức từ Tổng thống Syria Bashar al-Assad để thực hiện không kích. Các máy bay của Nga hoạt động tại căn cứ không quân Khmeimim thuộc tỉnh Latakia của nước này.

Giải phóng Palmyra

Trong chiến dịch này, Không quân Nga hỗ trợ quân đội chính phủ Syria giải phóng thành công một trong những thành phố quan trọng nhất và là di sản thế giới - Palmyra. Thành phố cổ này từng chịu sự kiểm soát của IS kể từ tháng 5/2015 trước khi được lực lượng quân đội chính phủ Syria, với sự hỗ trợ của không quân Nga, tái chiếm hồi tháng Ba năm nay.

Những kẻ thánh chiến đã hủy hoại vô số các địa danh lịch sử trong lúc chiếm đóng thành phố này. Quân đội Nga và Syria sau đó cũng vô hiệu hóa hàng nghìn ổ mìn mà những kẻ khủng bố để lại khắp thành phố sau khi chúng tháo chạy. Sau khi giải phóng Palmyra, Nga còn tổ chức một buổi hòa nhạc lớn tại Palmyra để thúc đẩy sự phục hồi của thành phố này và vinh danh các nạn nhân thiệt mạng trong cuộc chiến.

Ngày 15/3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh rút phần lớn máy bay chiến đấu và nhân sự quân đội khỏi Syria, tuyên bố rằng phần lớn của chiến dịch của họ ở Syria đã kết thúc.

Giới chức Nga sau đó công bố kết quả của chiến dịch, trong đó cho biết không quân Nga đã tổ chức tổng cộng 7.000 cuộc không kích, tiêu diệt được vô số căn cứ và nơi trú ẩn của những kẻ khủng bố cùng 13.000 kẻ thánh chiến. Lực lượng còn lại mà Nga duy trì ở Syria tiếp tục hỗ trợ chính phủ nước này tiêu diệt khủng bố trên khắp cả nước.

Hỗ trợ nhân đạo

Trong lúc thực hiến chiến dịch ở Syria, Nga cũng thiết lập một Trung tâm Tái hòa giải ở đất nước này. Cơ sở trên có nhiệm vụ hỗ trợ kiểm soát việc thực thi lệnh ngừng bắn và thực thi tiến trình hòa bình ở nước này.

Vào ngày 28/7 vừa qua, trung tâm này cùng chính phủ Syria đã cho ra mắt 3 “hành lang an toàn” phục vụ những thường dân có ý định rời khỏi thành phố đang có chiến sự Aleppo. Kế hoạch bao gồm một tuyến đường thứ tư dành cho những tay súng phiến quân mong muốn đầu hàng. Tuyến hành lang cũng phục vụ cho các đoàn xe viện trợ nhân đạo, trong đó cung cấp thuốc men, thực phẩm và nước sạch tới người dân.

Theo Moscow, tính đến nay họ đã phân phát hàng chục tấn hàng viện trợ tới Aleppo từ căn cứ không quân Khmeimim. Theo ước tính của LHQ, hiện có khoảng 250.000 người dân trong thành phố Aleppo đang trong tình trạng thiếu thốn các nhu yếu phẩm nghiêm trọng.

Tiến trình hòa bình

Cùng lúc với chiến dịch chống khủng bố từ trên không, Nga cũng phối hợp với Mỹ thúc đẩy đảm phán nhằm tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria. Sau các vòng đàm phán marathon ở Geneva hồi tháng Hai năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng người đồng cấp Mỹ John Kerry đã đưa ra một lệnh ngừng mọi hành động thù địch ở Syria.

Tuy nhiên, vài tuần sau đó, Bộ Quốc phòng Nga cho hay họ đã phát hiện ra “vi phạm có hệ thống” lệnh ngừng bắn trên do phe nổi dậy gây ra. Cơ quan này cũng thúc giục Mỹ kiểm soát chặt hơn lực lượng nổi dậy àm họ hậu thuẫn. Trong khi đó, Mỹ cho rằng chính quyền Damascus đã vi phạm thỏa thuận, còn cáo buộc Moscow đã không sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để gây sức ép cho ông Assad.

Tình trạng bạo lực trỗi dậy sau đó đã khiến cả Nga và Mỹ nhận ra sự cần thiết phải tái đàm phán. Một vòng đàm phán mới đã được nối lại và kết quả là hình thành một thỏa thuận ngừng bắn mới được hai bên tuyên bố vào ngày 9/9 ở Geneva. Lệnh ngừng bắn này là một phần của kế hoạch hòa bình lớn hơn bao gồm cả các hoạt động viện trợ nhân đạo.

Tuy nhiên, sự việc lại đi theo lối mòn đổ vỡ, sau khi Moscow và Washington lại trong tư thế bất đồng căng thẳng hơn bao giờ hết bắt đầu từ hôm thứu Tư tuần này, sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cảnh báo Nga rằng “sẽ có thêm nhiều sinh mạng người Nga bị mất” và các lợi ích của họ bị ảnh hưởng nếu như tình trạng bạo lực ở Syria còn tiếp diễn.

Bình luận trên đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều báo cáo về các đợt đánh bom tăng cường ở Aleppo. Trong động thái đáp trả, hôm 29/9, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng Moscow “hoàn toàn chuẩn bị để tiếp tục đối thoại với Mỹ và thực hiện các hành động chung nhằm tiêu diệt những kẻ khủng bố ở Syria”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nga đạt được gì sau 1 năm không kích ở Syria?