Nga-Mỹ: Đối đầu trên lãnh thổ Syria?

Khánh Duy 14/10/2015 01:29

Cuộc chiến ở Syria đang bắt đầu trở thành một cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Mỹ và Nga, kể từ khi Moscow tiến hành không kích phiến quân IS trên lãnh thổ nước này, trong khi mới đây nhất Mỹ đã đổ hàng tấn vũ khí cho lực lượng nổi dậy hòng lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Nga-Mỹ: Đối đầu trên lãnh thổ Syria?

Hình ảnh không kích mục tiêu IS được phía quân đội Nga công khai. (Nguồn: RT).

Trong diễn biến mới nhất, ngày 12/10, Mỹ cho hay họ đã chuyển khoảng 50 tấn vũ khí đạn dược cho phe nổi dậy mà họ gọi là phe “ôn hòa” ở Syria - một lực lượng luôn coi việc lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad là mục tiêu hàng đầu. Đây là động thái mới nhất của Washington nhằm đáp trả lại việc Nga mở chiến dịch không kích các mục tiêu IS trên lãnh thổ nước này.

Chính quyền Mỹ và phương Tây luôn cho rằng chiến dịch không kích mà Nga đang thực hiện thực chất nhằm vào lực lượng nổi dậy ở Syria hơn là các mục tiêu phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Điều này cũng thể hiện rõ trên các báo cáo của đa số hãng truyền thông Mỹ và phương Tây thời gian gần đây.

Sự đối đầu giữa Mỹ và Nga về vấn đề Syria đã thể hiện rõ bằng hành động rót vũ khí cho phe nổi dậy của Mỹ mới đây. Đây là hành động khiến tình hình vốn đã căng thẳng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Ngày càng có nhiều thương vong về sinh mạng, trong khi hàng triệu người di cư trái phép ở Syria vẫn đổ về các nước châu Âu.

Trong ngày 12/10, quân đội Mỹ cho hay các máy bay chở hàng của họ đã chuyển 50 tấn vũ khí đạn dược cho các nhóm nổi dậy ở miền Bắc Syria. Khối hàng này được chia làm 112 hòm.

Những chiếc phi cơ chuyên chở C-17, được hộ tống bởi một phi cơ chiến đấu, đã thả các thùng hàng vũ khí cùng các loại đạn dược khác như lựu đạn xuống tỉnh Hasakah ở miền Bắc Syria, nơi được coi là thành trì của liên minh các lực lượng nổi dậy mà Mỹ hậu thuẫn. Phía Mỹ sau đó tuyên bố tất cả các thùng hàng đã đến được tay lực lượng nổi dậy “ôn hòa” ở Syria.

Mỹ từng khởi động một chương trình huấn luyện và vũ trang cho phe nổi dậy ở Syria với số tiền lên đến 500 triệu USD, tuy nhiên chương trình này lại được xem là một thất bại to lớn của chính quyền Washington do không mang lại hiệu quả nào.

“Đó là một thất bại hoàn toàn vì nhiều lý do khác nhau” – Phóng viên quốc tế kỳ cựu của CNN, người từng nhiều lần đưa tin về chiến sự Syria, Arwa Damon, nhận định – “Mỹ đã thành công trong việc áp chế các chiến binh nổi dậy này, nói với họ rằng họ chỉ cần tập trung vào việc chống lại IS. Nhưng cứ hỏi bất cứ người dân Syria nào, đương nhiên họ sẽ nói muốn loại bỏ IS, nhưng lại hướng về ủng hộ chính phủ Syria hơn là phe nổi dậy”.

Trong mùa hè năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng từng thừa nhận rằng Mỹ mới chỉ huấn luyện được khoảng 60 tay súng phe nổi dậy. Sự thất bại này được đổ tại cho tiến trình huấn luyện nhằm đảm bảo các chiến binh cam kết chống lại phiến quân IS, phản đối chính quyền Assad và phản gián. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố sẽ tạm thời ngừng chương trình huấn luyện này.

Trong khi đó, chiến dịch không kích của Nga ở Syria lại tỏ ra hiệu quả và đang nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông. Chỉ riêng trong ngày 13/10, không quân Nga đã tiến hành 55 đợt không kích. Máy bay ném bom Sukhoi Su-24M và Su-34, cùng cường kích Su-25SM tấn công các vị trí IS tại các tỉnh Idlib, Latakia, Homs và Hama của Syria.

Giới chuyên gia nhận định rằng, trong bối cảnh xung đột ngày càng căng thẳng như hiện nay giữa Mỹ và Nga xung quanh vấn đề Syria, có nguy cơ sẽ xảy ra một chiến ủy thác ở nước này.

Một số chuyên gia của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp tại Paris (IFRI) cho hay, kể từ khi Nga bắt đầu không kích phiến quân IS vào ngày 30-9, chiến lược của Mỹ và phương Tây tại quốc gia này dường như lâm vào bế tắc. Và hành động đổ vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria của chính quyền Washington cho thấy một giải pháp của họ trong thời điểm bế tắc này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nghi ngại về khả năng Nga sẽ bị “sa lầy” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria nếu như họ không thể diệt trừ tận gốc phiến quân IS ở nước này.

“Khi tham chiến thực sự, Nga sẽ nhận thức được rằng những điểm yếu của quân đội chính phủ Syria đáng lo ngại hơn những gì họ hình dung. Trong trường hợp chiến dịch của Nga không đạt được những kết quả như mong muốn, Nga sẽ buộc phải kéo dài thời gian không kích”- Camille Grand, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược ở Paris, nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nga-Mỹ: Đối đầu trên lãnh thổ Syria?