Nga đã quyết định kết thúc sớm với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2021 - 2023, sau khi bị LHQ đình chỉ đồng thời cáo buộc phương Tây lợi dụng cơ quan này.
Ngày 7/4 (theo giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích nghị quyết được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua cùng ngày tại New York, theo đó đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Matxcơva gọi đây là "bước đi phi pháp và mang động cơ chính trị nhằm trừng phạt một Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vốn theo đuổi một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập".
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra cùng lúc với tuyên bố của Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Gennady Kuzmin chỉ trích việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và tuyên bố Matxcơva sẽ rút khỏi cơ quan này.
Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 7/4 đã thông qua quyết định đình chỉ tư cách ủy viên Hội đồng Nhân quyền của Nga. Trong lần bỏ phiếu do Mỹ thúc đẩy này, có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống, và 58 nước bỏ phiếu trắng, theo Reuters.
Được biết, chỉ cần trên hai phần ba số thành viên bỏ phiếu tán thành Nghị quyết thì Nga sẽ bị đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng.
Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này quyết định kết thúc sớm tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đồng thời tố cáo phương Tây lợi dụng cơ quan này cho "các mục đích cơ hội".
Hãng tin TASS cho biết, Nga coi quyết định này mang động cơ chính trị, dẫn tới những hậu quả tiêu cực cho hệ thống của Liên hợp quốc.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Anh Sky News, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Matxcơva lấy làm tiếc về quyết định trên nhưng Nga "sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích của nước này".
Kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga-Ukraine vào cuối tháng 2, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua hai Nghị quyết tố cáo Nga với lần lượt 141 và 140 phiếu tán thành.
Trước đó, Đại hội đồng đã từng đình chỉ Libya vì bạo lực chống lại những người biểu tình lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo lúc đó là Muammar Gaddafi.
Mặt khác, đại sứ của Nga cũng phủ nhận về những việc làm ở Bucha và khẳng định "không có một dân thường nào phải chịu bất kỳ hình thức bạo lực nào".