Sự kiện khủng bố đẫm máu xảy ra ở sân bay thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ - khiến ít nhất 43 người thiệt mạng - dường như đã nêu bật một mối đe dọa đã ngủ yên từ lâu và có thể sẽ giúp quá trình hồi phục quan hệ giữa nước này và Nga được thúc đẩy nhằm đối phó với mối đe dọa chung.
Vụ khủng bố ở Istanbul có thể trở thành sự kiện giúp Nga-Thổ phục hồi quan hệ song phương. (Nguồn: Anadolu).
Theo giới chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, 3 kẻ tấn công khủng bố ập vào sân bay Ataturk đến từ Nga, Uzbekistan và Kyrgyzstan. Chính quyền nước này tin rằng, bộ ba khủng bố này đã thực hiện nhiệm vụ đánh bom tự sát của chúng dưới sự chỉ đạo của tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Hôm 30/6, nhiều tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận kẻ chủ mưu trong vụ khủng bố này là Akhmed Chatayev và nêu rõ tên của một trong số những kẻ đánh bom là Osman Vadinov. Vadinov được cho là đã di chuyển tới Istanbul từ thành phố Raqqa - được coi là thủ phủ của IS trên lãnh thổ Syria. Tất cả những nghi phạm này đều là, hoặc từng là, phiến quân người Chechnya.
Điều này dường như không có gì là lạ, bởi kể từ sau cuộc chiến Chechnya đầu tiên của Nga trong khoảng 1994-1996, Istanbul từng là nhà của hàng nghìn phiến quân Chechnya, rất nhiều trong số này ban đầu phải ở trong các trại tị nạn. Thành phố này đã trở thành một căn cứ cho các chiến binh Chechnya và gia đình họ, cũng là nơi mà các chiến binh Chechnya được chữa trị.
Trong khoảng giữa những năm 1990, chính quyền Nga bắt đầu nhận ra rằng các lực lượng phiến quân Chechnya mong muốn tìm cách lập ra một nhà nước riêng. Sau đó, Thủ tướng đầu tiên và sau là Tổng thống Nga Vladimir Putin chiếm được thủ phủ của Chechnya, Grozny và tìm cách quét sạch chủ nghĩa ly khai Chechnya mãi mãi.
Bằng lực lượng quân sự hùng hậu và tinh nhuệ, đến năm 2004 ông Putin đã giành thắng lợi trong chủ trương của mình. Nhưng đó cũng là lúc Điện Krelim nhận ra rằng kẻ thù đang biến đổi sang một hình thức mới. Một thế hệ những kẻ phiến quân mới đang nhăm nhe thành lập nhà nước riêng của chúng.
Cuộc nội chiến ở Syria cuối cùng đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống lại những phần tử phiến quân ly khai, bắt đầu từ các cuộc đọ súng hàng ngày xảy ra như cơm bữa giữa những kẻ phiến quân Hồi giáo và lực lượng an ninh địa phương.
Lực lượng nổi dậy này sau đó bị chia tách. Một số kẻ muốn tiếp tục chiến dịch ở Nga, trong khi những kẻ ly khai khác lại thề trung thành với IS. Những kẻ này mong muốn thành lập một nhà nước trên vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq và ban đầu đã có được điều chúng mong muốn. Kể từ đó, rất nhiều chiến binh từ khắp thế giới - châu Âu, Bắc Caucasus và Trung Á - đã đổ về đầu quân cho IS.
Nhiều nguồn tin phương Tây cho hay rất nhiều kẻ tuyển mộ của IS và các nhóm phiến quân khác đã tìm cách lôi kéo các tay súng Chechnya về phía mình. Các cơ quan an ninh Nga thì tin rằng có khoảng 2.000 công dân nước họ đang chiến đấu ở Syria, đa phần trong số này là người Chechnya.
Một số nước còn nghi ngờ rằng cơ quan tình báo Nga FSB đứng đằng sau một loạt các vụ ám sát thủ lĩnh phiến quân Chechnya ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một trong số đó là Abdulvakhid Edelgireyev, kẻ đã sống sót nhờ lẩn trốn ở các vùng núi Chechnya, và bị bắn chết ở Istanbul hồi tháng 11 năm ngoái.
Hôm 30/6, trang chủ của nhóm phiến quân Chechnya đã tuyên bố tỏ ý nghi ngờ rằng 3 kẻ khủng bố ở sân bay Ataturk là người Chechnya. Tuy nhiên, website này cũng cho hay những kẻ phiến quân ở Bắc Caucasus đang chiến đấu trên lãnh thổ Syria.
Vụ đánh bom đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra trong bối cảnh đặc biệt, khi mà mối quan hệ giữa nước này và Nga đang hết sức căng thẳng sau vụ phi cơ chiến đấu của Thổ bắn hạ máy bay quân sự Nga hồi cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, trong tuần này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra lời xin lỗi về vụ việc này với phía Nga. Moscow trong khi đó nói rằng họ muốn khoản tiền bồi thường thiệt hại và những kẻ đứng đằng sau vụ việc phải bị trừng phạt trước pháp luật.
Không rõ liệu hai bên sẽ khởi động quá trình phục hồi quan hệ ra sao, hay mất bao lâu, nhưng để đối phó với một mối đe dọa chung, chắc chắn quá trình này sẽ được thúc đẩy nhanh hơn và trong tương lai có khả năng Nga và Thổ sẽ bắt tay để chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/6 quyết định gỡ bỏ những cấm vận trong lĩnh vực du lịch với Thổ Nhĩ Kỳ sau 7 tháng áp quy định này. Ngay sau cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kể từ sau vụ bắn hạ máy bay, ông Putin cho biết, Moscow sẽ gỡ bỏ lệnh cấm vận với các chuyến bay thuê chuyến và các tour du lịch trọn gói tới Thổ Nhĩ Kỳ.